Đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí xuống 10%

Tuyết Trang
Theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), cơ quan báo chí hiện hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

Cụ thể, theo đại biểu Thạch Phước Bình, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí. Do đó, đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh. Ảnh: CTTĐT Quốc hộiĐại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đồng thời, ông Bình cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Thạch Phước Bình về thuế suất thuế TNDN đối với cơ quan báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, phần thuế TNDN đối với cơ quan báo chí cũng không lớn, không làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách.

Theo đại biểu Hòa, báo chí hiện nay hoạt động rất khó khăn, không chỉ 800 - 900 cơ quan báo chí cạnh tranh với nhau, mà họ còn phải cạnh tranh về quảng cáo với các nền tảng số.

“Thu nhập phóng viên, hoạt động của tòa soạn đều rất khó khăn, nên đề nghị đưa báo chí vào dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ để được ưu đãi về thuế”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Phú Yên. Ảnh: CTTĐT Quốc hộiĐại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Phú Yên. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn nhiều. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.

"Đặc thù báo chí là lao động đêm hôm, sớm tối, nhất là phóng viên nữ rất khó khăn, chỉ giảm thu một chút thôi cũng ảnh hưởng lớn tới tinh thần và đời sống chị em phụ nữ. Các chị em cũng yêu nghề, say sưa với nghề nghiệp nhưng phóng viên cũng phải lo cho gia đình, con cái đi học, nhu cầu cuộc sống. Việc giảm thuế lần này sẽ là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ cơ quan báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí. Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có nghiên cứu thể giảm xuống 5%. Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí. Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.

"Điều này sẽ là sự động viên mạnh mẽ với các cơ quan báo chí và khi giảm thuế sẽ tăng niềm tin, tăng giá trị văn hóa, tạo cho người làm báo sự nhiệt huyết, yêu nghề hơn", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, hiện nay báo chí tập trung cho nhiệm vụ chính trị là chính, số làm thêm rất nhỏ.

“Tôi ở góc độ doanh nghiệp thấy cần miễn thuế cho họ (báo chí – PV). Ngay cả truyền hình cứ đang xem phim cứ đến chỗ hay nhất là quảng cáo, nhưng tôi chia sẻ, vì nếu không làm thế thì không đạt, doanh nghiệp lại đưa sang nền tảng khác quảng cáo hay hơn. Đa số không có doanh thu, không nộp thuế được đâu”, ông Thân bày tỏ.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông), các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ vẫn thực hiện vai trò, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, dịch vụ phục vụ nhân dân.

“Qua tìm hiểu, kể cả VTV và một số cơ quan báo, lĩnh vực y tế, anh em trao đổi là nhiệm vụ chính trị vẫn đảm đương xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối pháp luật, dịch vụ phục vụ nhân dân, nhưng phải tự chủ 100%. Tự chủ là việc phải làm nhưng để các đơn vị này thêm nguồn lực, đảm đương tốt các vai, tôi đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cho đơn vị sự nghiệp công lập, xem như là sự đầu tư trở lại của ngân sách Nhà nước”, ông Dương Khắc Mai nêu ý kiến.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: CTTĐT Quốc hộiPhó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước cấp kinh phí hoàn toàn, có đơn vị tự chủ phần chi thường xuyên và đơn vị tự chủ toàn diện. Chính phủ sẽ nghiên cứu quy định cụ thể.

Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất của các đại biểu về mức thuế 10% với tất cả các cơ quan báo chí, nếu Quốc hội đồng ý. “Chúng tôi cũng đã trao đổi với Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất nội dung này để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, các cơ quan báo chí cũng đang có nhiều hình thức hỗ trợ như đặt hàng, quảng cáo... Với các cơ quan chưa tự chủ thì Nhà nước vẫn cấp kinh phí.

“Thu nhập phóng viên, hoạt động của tòa soạn đều rất khó khăn, nên đề nghị đưa báo chí vào dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ để được ưu đãi về thuế”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Phương Thảo (t/h)