Địa ốc Đức Anh “vẽ” dự án “ma”: Lợi dụng “kẽ hở” để lách luật?
Như Kiến Thức đã phản ánh, dự án “Đức Anh Future New” và “Minh Thành New City” được giới thiệu do Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh, có trụ sở chính tại số 102 quốc lộ 13, xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành, Bình Phước) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khẳng định với báo chí cả lãnh đạo hai xã Nha Bích và Minh Thành đều cho hay, địa phương không có hai dự án này. Thậm chí, xã cũng không biết đến Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh.
Vị trí được quảng cáo là dự án “Đức Anh Future New” vẫn chỉ là bãi đất trống, không có dấu hiệu thi công. (Ảnh: Thương hiệu và Công luận).
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hình thức giao bán đất nền đối với hai dự án Đức Anh Future New và dự án Minh Thành New City là hành vi không đúng pháp luật. Để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các khu đất nền, các dự án này phải đáp ứng đủ các điều kiện theo điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Hướng dẫn luật đất đai.
Theo luật sư Tùng, hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp "lách luật", huy động vốn trái phép bằng hình thức đặt cọc giữ chỗ, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư,... diễn ra tràn lan nhưng các nhà quản lý vẫn chưa thể kiểm soát một cách triệt để.
Mặc dù, hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để được mua nhà ở hình thành trong tương lai không được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, tại Luật kinh doanh Bất động sản 2014 thì luật có quy định rất cụ thể về các điều cấm.
Dự án Minh Thành New City cũng chỉ là khu đất cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Thương hiệu và Công luận).
Hai dự án Đức Anh Future New và Minh Thành New City không tồn tại, không được cấp phép phân lô bán nền trên hai xã Nha Bích và Minh Thành, nhưng lại được Địa ốc Đức Anh ngang nhiên thực hiện giao bán. Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ký công văn 2554 (về việc ngưng nhận hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp vào tháng 10/2019). Như vậy, hành vi của Công ty địa ốc có dấu hiệu của tội lừa đảo và có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Luật sư Tùng nhấn mạnh, thời gian gần đây, khi các sự việc lừa đảo, gian dối của một số Công ty bất động sản đã gióng lên hồi chuông cảnh giác đối với dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các cá nhân đổ xô đầu tư đất nền giá rẻ với mong muốn lướt sóng, kiếm lời nhanh. Việc bán nền tại các dự án luật quy định còn nhiều kẽ hở.
"Người dân cần hết sức cẩn trọng khi quyết định đầu tư, nên tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án từ chính quyền địa phương, không quá tin vào lời mật ngọt của bên bán, để tránh tiền mất tật mang, dính đến những rủi ro không đáng có từ những dự án "ma"”như kiểu Địa ốc Đức Anh"”- luật sư Tùng khuyến cáo.
Khách kêu gọi “tẩy chay” Địa ốc Đức Anh
Đáng chú ý, ngay khi thông tin Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh “vẽ” ra hai dự án Đức Anh Future New và Minh Thành New City xuất hiện dư luận vô cùng xôn xao.
Nhiều câu hỏi mà dư luận đang quan tâm là: Địa ốc Đức Anh “vẽ” dự án “ma” ở Bình Phước có phải để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng? Đã có bao nhiêu người rơi “bẫy” Địa ốc Đức Anh? Hay là Địa ốc Đức Anh còn lập ra bao nhiêu dự án “ma” khác để câu khách? Các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xử lý vấn đề này ra sao?
Cùng với đó, nhiều ý kiến của dư luận còn thẳng thắn kêu gọi “tẩy chay” Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh, không nên tham gia bất kỳ hoạt động mua bán nào từ phía doanh nghiệp này vì cho rằng rất dễ xảy ra rủi ro.
Hợp đồng đặt cọc Công ty cổ Phần Địa Ốc Đức Anh. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam).
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị T. (TP HCM) cho rằng, Địa ốc Đức Anh không phải doanh nghiệp đầu tiên “vẽ” dự án “ma” nhằm huy động vốn trái phép từ khách hàng. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần bất động sản nhà đất Đồng Nai, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phát An Gia, Công ty TNHH kỹ thuật kiến trúc xây dựng Hoàng Long, Công ty BĐS Rồng Đất, Công ty Angel Lina hay Công ty Địa ốc Alibaba,… cũng đều dùng chiêu lập ra các dự án "ma” móc tiền khách hàng, khiến hàng nghìn người khốn khổ.
“Tốt nhất mọi người không nên đầu tư bất kỳ dự án nào của Địa ốc Đức Anh. Hoặc nếu có ý định rút hầu bao nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ càng tính pháp lý về các dự án đó”, chị T. nhấn mạnh.
Đồng quan điểm chị T., Anh Hoàng Tuấn N. (TP HCM) cũng cho rằng giới đầu tư nên tránh xa các doanh nghiệp làm ăn kiểu Địa ốc Đức Anh. Bởi nếu đã lập dự án “ma” một lần, có thể sẽ có lần 2, 3 và nhiều lần sau đó. Đến khi xảy ra rủi ro những người bị thiệt hại cũng chỉ là khách hàng hứng chịu.
“Tôi thấy các cơ quan chức năng nên vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động của Địa ốc Đức Anh, nhất là những thông tin liên quan đến các dự án “ma” được cho là doanh nghiệp này “vẽ” ra. Như vậy, mới khiến khách hàng yêu tâm hơn, cũng vừa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn kiểu kinh doanh lừa đảo khách hàng như nhiều Công ty địa ốc khác từng làm”, chị Nguyễn Hạnh (Hà Nội) bày tỏ.