Đô thị thông minh phải có dịch vụ ngân hàng thông minh

Admin
Tăng tốc số hóa dịch vụ và phát triển sản phẩm, dịch vụ thông minh là yêu cầu tất yếu để phát triển đô thị thông minh. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh khi đồng chủ trì Hội thảo “Phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng trọng điểm; Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh. Phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng là một hướng đi có tính đột phá góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Trong đô thị thông minh yếu tố cốt lõi là số hóa, là các dịch vụ thông minh và trong đô thị thông minh không thể thiếu ngân hàng thông minh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết tăng tốc số hóa, phát triển các dịch vụ thông minh và sản phẩm thông minh đã và đang được các DN, tập đoàn tiến hành mạnh mẽ. Đây không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu phát triển tất yếu trong thời đại số. Bởi việc áp dụng các công nghệ tiên tiến còn giúp tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của nhân viên. Số hóa và các sản phẩm thông minh, dịch vụ thông minh cũng giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đô thị thông minh phải có dịch vụ ngân hàng thông minh - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

"Những công nghệ nổi bật như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy, internet vạn vật, điện toán đám mây, Blockchain, thực tế ảo... đòi hỏi các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ cùng nhau nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương thức phù hợp, đóng góp cho việc xây dựng các đô thị có thể cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy thói quen tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đang dần thay đổi theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thay vì phải gặp mặt trực tiếp hoặc đến quầy để lựa chọn dịch vụ (mua vé tàu xe, đặt chỗ, mua sắm...) và thanh toán thì hiện nay người dân, khách hàng có thể làm tất cả những việc này bằng một vài thao tác trên thiết bị di động của mình thông qua các ứng dụng di động, trang thông tin điện tử của các nhà cung ứng dịch vụ một cách thuận tiện, khép kín từ khâu lựa chọn dịch vụ, quyết định mua, trả tiền, nhận hàng và các chính sách hậu mãi.

Một trong các minh chứng cho lợi ích của chuyển đổi số và khả năng tích hợp, kết nối giữa các ngành dịch vụ là sự phổ biến ứng dụng mobile banking tích hợp đa tiện ích, dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam thời gian qua. Theo đó khách hàng truy cập ứng dụng mobile banking không chỉ sử dụng dịch vụ ngân hàng cung ứng mà còn có thể sử dụng nhiều dịch vụ của các ngành, lĩnh vực như: trả tiền điện, nước, viễn thông, mua bảo hiểm, đặt chỗ và mua vé máy bay, vé xem phim, đi chợ, mua sắm...

Nói về đô thị thông minh, ông Nguyễn Nam Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tài chính số của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông lấy hình ảnh đô thị thông minh như một bức tranh với nhiều mảng miếng, gồm môi trường thông minh, cư dân thông minh, đời sống thông minh, chính quyền thông minh, di chuyển thông minh và nền kinh tế thông minh (bao gồm thanh toán điện tử)... "Dự tính đến năm 2030, cơ cấu dân số thành thị đạt 43% tạo ra áp lực rất lớn cho việc tối ưu hệ thống thanh toán tại các thành phố, đô thị lớn, trong đó có nhu cầu xử lý khối lượng thanh toán lớn như dịch vụ công, tiền phạt, phí, thuế, bảo hiểm… Vì thế, rằng thanh toán không dùng tiền mặt là thành tố xuyên suốt các cấu thành của đô thị thông minh nhằm gia tăng minh bạch và tiết kiệm chi phí", ông Nguyễn Nam Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dịch vụ ngân hàng thông minh, ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT Vietcombank cho biết, nội dung của dịch vụ ngân hàng thông minh là những sản phẩm dịch vụ được thiết kế, cung ứng cho khách hàng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm thời gian, chi phí phải trả và đem lại những kết quả tốt hơn. Đô thị thông minh khi kết nối ở mức độ cao, các dữ liệu, dịch vụ, giao dịch được số hóa thực hiện dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt là công cụ đắc lực. Bởi vậy ông Tuấn mong chờ Chính phủ có những chỉ đạo xuyên suốt với những cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giám sát các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới đồng thời là hoàn thiện quy hoạch phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia.

Cũng cùng quan điểm, nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo đều nhấn mạnh đến vấn đề kết nối thông tin, kết nối dữ liệu và cần có một hệ thống dữ liệu chung. Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát biểu, ngày nay mọi người dùng công nghệ để thanh toán, để đặt dịch vụ taxi, đặt khách sạn, vé máy bay, mua sắm trực tuyến… nhưng nếu các dịch vụ này "không nói chuyện" được với nhau tức là không kết nối thì không mấy giá trị nhưng khi đã nói chuyện được (liên kết, kết nối) sẽ tạo ra mạng lưới các đối tác liên kết với nhau mà khách hàng là trọng tâm. Bên cạnh đó, để theo kịp thời đại, phát triển kinh tế số đô thị thông minh thì cần nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn. Nhưng đây cũng chính là những lấn cấn, những nút thắt hiện nay. Vì vậy để đạt mục tiêu phải phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và Chính phủ điện tử; xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố. Đồng thời cần có chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; Các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh.