Doanh nghiệp cần chủ động phổ biến pháp luật cho nhân lực lao động xuất khẩu

Admin
Tình trạng người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động đã vi phạm nội quy, kỷ luật lao động ngày càng tăng. Để chấm dứt thực trạng trên cần có biện pháp hữu hiệu phổ biến kiến thức pháp luật đến với người lao động.

Theo đó, để bảo vệ uy tín của mình trước đối tác sử dụng lao động người Việt, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã phải dành vài tháng trời đến các địa phương đeo đuổi thủ tục khởi kiện ra tòa đối với người lao động vô kỷ luật ở nước ngoài bị chấm dứt hợp đồng về nước trước thời hạn.

Căn cứ theo Luật lao động hiện hành, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động; làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động.

Mặc dù pháp luật đã quy định đầy đủ như vậy, nhưng việc người lao động (NLĐ) có ý thức thực hiện các nghĩa vụ của mình hay không lại là chuyện khác. Theo luật sư Lê Ngọc Hà (Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc, Đoàn luật sư Hà Nội) thì không phải NLĐ nào cũng nhận thức và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động ở nước ngoài.


Cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức pháp luật đối với lực lượng lao động xuất khẩu.

Bởi vậy, tình trạng NLĐ vi phạm nội quy lao động, vi phạm kỷ luật lao động, tự ý chấm dứt hợp đồng để ra ngoài sống lưu vong hoặc cố tình ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng vẫn cứ diễn ra, gây hậu quả cho chính bản thân NLĐ, người bảo lãnh và cả doanh nghiệp XKLĐ.

Các lỗi vi phạm khá đa dạng như: Không chấp hành giờ làm việc, sử dụng điện thoại di động, hút thuốc lá trong nhà máy, lao động nữ mang thai trong quá trình lao động. Đơn cử như lao động Việt Nam tại Đài Loan tình trạng phá hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp diễn ra nhiều. Đây đang là vấn nạn làm đau đầu các cơ quan Nhà nước quản lý lao động ngoài nước cũng như các doanh nghiệp XKLĐ sang Đài Loan.

Sau khi bỏ trốn, NLĐ trở thành người cư trú và làm việc bất hợp pháp nên cuộc sống đầy rủi ro. Họ cũng phải tự trang trải chi phí nếu có ốm đau, bệnh tật hay tai nạn lao động, không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm và y tế như lao động hợp pháp. Không chỉ vậy, họ sẽ còn bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, trục xuất về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp XKLĐ cũng lao đao sau mỗi sự cố lao động bỏ trốn, vi phạm kỷ luật lao động bị chấm dứt hợp đồng về nước. Do hoạt động sản xuất bị gián đoạn, phải bỏ thêm thời gian, chi phí để tuyển lao động mới thay thế nên chủ sử dụng lao động lập tức quay sang phạt doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền và cắt chỉ tiêu tiếp nhận lao động những đợt tiếp theo.

Để chấm dứt thực trạng NLĐ bỏ trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp đang có xu hướng gia tăng, một số doanh nghiệp XKLĐ áp dụng nhiều biện pháp như đặt cọc tiền chống trốn, yêu cầu thế chấp tài sản, tạm giữ tiền lương của NLĐ... tuy nhiên vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu.

Theo ông Ngô Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Trường Hải thì cùng với việc tuyên truyền, phổ biến kỹ lưỡng kiến thức pháp luật cho lao động trước khi xuất cảnh cần song hành biện pháp mạnh là khởi kiện ra tòa án đối với NLĐ vi phạm kỷ luật lao động bị về nước trước thời hạn. Khởi kiện người bảo lãnh của lao động vi phạm đó để yêu cầu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp mới có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức chấp hành của người lao động. Người bảo lãnh (thường là bố mẹ, anh chị hoặc người thân...) là người cam kết sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp khi NLĐ bỏ trốn, vi phạm kỷ luật lao động bị về nước trước thời hạn.

Đơn cử như trường hợp Công ty Cổ phần Quốc tế Trường Hải đã khởi kiện ông Lương Văn Luyến (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) ra TAND tỉnh Nghệ An yêu cầu nộp phạt vi phạm theo thỏa thuận 120 triệu đồng để doanh nghiệp khắc phục những thiệt hại phát sinh do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động Lương Thị Tuyết Trinh gây ra.

Bà Trinh ký hợp đồng với công ty sang Đài Loan làm việc tại Công ty HHCP kỹ thuật sinh học Ngũ Đỉnh. Tuy nhiên sau gần 01 năm làm việc tại doanh nghiệp nói trên, bà Trinh đã mang thai nên đã tự đơn phương chấm dứt hợp đồng về nước trước thời hạn để kết hôn và sinh con. Khi Tòa án triệu tập các bên có liên quan đến giải quyết, cả người bảo lãnh và người lao động mới nhận thức được lỗi vi phạm của mình thì cũng đã muộn, khó khắc phục được hậu quả đã gây ra cho doanh nghiệp XKLĐ.

Luật sư Ngọc Hà đề cập, bên cạnh việc các doanh nghiệp XKLĐ phải chủ động trong công tác xử lý vi phạm đối với NLĐ có hành vi phá vỡ hợp đồng thì các cơ quan Nhà nước quản lý lao động cần xây dựng phương án và các giải pháp cụ thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức pháp luật về lao động cho đối tượng là NLĐ và người bảo lãnh cho lao động.

Khi phần lớn NLĐ tự hình thành được ý thức chấp hành pháp luật về lao động, khi không còn hiện tượng lao động vi phạm kỷ luật lao động, bỏ trốn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại nước ngoài thì thương hiệu lao động Việt mới có cơ hội được khẳng định trên thị trường lao động quốc tế.