Doanh nghiệp cần "nhảy vào điểm nóng”, khai phá thị trường mới để ngăn đà giảm xuất khẩu

Trong bối cảnh nhu cầu thương mại toàn cầu suy giảm, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu hướng nhu cầu, bám các điểm “nóng” của thị trường quốc tế thay vì trung thành với các sản phẩm truyền thống để ngăn đà giảm kim ngạch xuất khẩu.

8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%, điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%, giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty TNHH Vietgo, trong bối cảnh suy giảm về nhu cầu thương mại toàn cầu, nếu doanh nghiệp biết cách xuất khẩu thì vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Doanh nghiệp cần phải phân tích cấu trúc thị trường và đánh giá xem có thể bán hàng được ở thị trường nào.

Khi xuất khẩu dệt may, đồ gỗ giảm thì sẽ mặt hàng khác gia tăng. Không thể cứ “đắm đuối” theo các sản phẩm cũ, cố bán những sản phẩm truyền thống trong khi khách hàng không có nhu cầu. Không thể bán những thứ khách hàng không cần, mà phải bán những gì họ đang rất cần.

“Theo tôi, các doanh nghiệp cần bắt được xu hướng nhu cầu nhập khẩu của thế giới hoặc nhảy vào các điểm “nóng”. Thế giới luôn biến đổi, có thể là khủng hoảng chính trị, là dịch bệnh, chiến tranh thương mại hoặc thiên tai. Theo đó nhu cầu sẽ thay đổi theo”, ông Việt chia sẻ.

ÔngNguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty TNHH VIETGO.

 

Ví dụ điển hình nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều DN đã chuyển hướng sang bán trang thiết bị y tế, hàng hoá thiết yếu, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Sau vụ động đất đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cần 70 tỷ USD để tái thiết. Tại thời điểm tháng 3/2023, Chính phủ đã bỏ ra 15 tỷ USD tái thiết đất nước ở giai đoạn 1. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần rất nhiều nguồn hàng, từ đồ gỗ, dệt may đến vật liệu xây dựng…

Khi tái thiết đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất cần mành rèm, chăn ga, gối đệm, quần áo. Doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào điểm “nóng” này sẽ có cơ hội thành công.

Cũng theo giám đốc Vietgo, năm 2022 châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, người dân không đủ năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông.

“Đầu năm ngoái, nhận thấy châu Âu tăng mạnh nhu cầu viên nén mùn cưa, Vietgo đã kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam hướng đến xuất khẩu mặt hàng này. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu và Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, về kim ngạch xuất khẩu viên nén mùn cưa”, ông Việt cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Việt, 97% viên nén mùn cưa từ Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc và Nhật Bản thì chỉ có 3% xuất khẩu vào châu Âu - thị trường đang cần nhất mặt hàng này. Châu Âu là thị trường có thể mua với giá cao nhất nhưng chúng ta lại chưa khai thác và cung cấp được nhiều.

Năm 2022, xuất khẩu viên nén mùn cưa và dăm gỗ đạt 3,5 tỷ USD - tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo, gấp đôi kim ngạch xuất khẩu dầu thô.

“Một sản phẩm mới có tuổi đời còn rất ngắn, là sản phẩm thời vụ, chỉ bán trong vòng nửa năm, nhưng lại đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa khai thác hết tiềm năng.

Trong khi đó, châu Âu dự kiến có nhu cầu tăng nhập khẩu viên nén mùn cưa lên 34 lần từ giờ đến năm 2030. Dư địa để tăng trưởng sản phẩm năng lượng viên nén mùn cưa vào châu Âu có thể lên đến chục tỷ USD nếu biết cách”, ông Việt nói.

Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu viên nén mùn cưa. Đó là đường bờ biển dài nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, Việt Nam có FTA với châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên có rất nhiều phế phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến những sản phẩm “ăn theo” viên nén mùn cưa như viên nén trấu, viên nén bã mía, viên nén phế phẩm từ nông nghiệp.

Giám đốc Vietgo cho rằng doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp từ cơ quan chức năng, như xây dựng các FTA, hay đàm phán nâng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Cần có giải pháp căn cơ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi không hoàn được VAT hoặc bị gây khó dễ, doanh nghiệp, sẽ có xu hướng cộng thêm khoảng 7 - 8% vào giá để tăng giá bán lên. Từ đó dẫn đến sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam khó cạnh tranh so với các đối thủ.

“Cứ mỗi mắt xích mất một chút, chúng ta sẽ mất rất nhiều, bỏ qua cơ hội và lợi ích mà đáng ra Việt Nam được hưởng khi đạt được các FTA với quốc tế”, ông Việt nói. Chỉ khi có được những tấm vé thông hành này, doanh nghiệp Việt mới đủ sức cạnh tranh trên cuộc chơi toàn cầu hiện nay”, ông Việt khuyến nghị.