Tại các doanh nghiệp, vào mỗi cuối tháng, ngoài phải nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, còn phải chi trả lương cho người lao động (đây là khoản được ưu tiên thanh toán đầu tiên) và các khoản cho phí khác.
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn tiền hay quỹ dự phòng để thanh toán các khoản này nên không hẳn họ cố tình trốn đóng BHXH mà do không xoay xở kịp để đóng đúng thời điểm mà cơ quan BHXH quy định. Từ đó, bị tính lãi chậm nộp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.
"Cơ quan BHXH cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn thời gian đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thay vì đóng cuối tháng thì có thể kéo dài thêm 15-20 ngày hoặc 1 tháng. Đồng thời, giãn thời gian tính lãi chậm nộp, thay vì tính lãi sau 30 ngày thì có thể gia hạn đến 60 ngày hoặc hơn để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay xở" - đại diện công ty kiến nghị.
Đại diện Công ty TNHH T.N (quận 10, TP HCM) cho hay lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ quản lý vận hành, bảo trì sửa chữa, thi công lắp đặt các nhà máy điện và các công trình năng lượng, hệ thống M&E... Do đặc thù ngành nghề, công ty thường xuyên phải đối mặt với khó khăn về tài chính do dối tác chậm thanh toán công nợ, kéo theo việc tập đoàn chậm rót vốn, dẫn đến chậm đóng BHXH.
Để giải quyết, công ty đã lập một quỹ riêng để chi trả các khoản ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho các trường hợp cấp thiết, để người lao động an tâm gắn bó. Riêng các trường hợp người lao động nghỉ việc, công ty sẽ đóng đủ các khoản bảo hiểm bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định để cơ quan BHXH chốt sổ cho người lao động để kịp thời được giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ thực tế tại đơn vị, đại diện công ty khiến nghị cơ quan BHXH nới lỏng các chế tài đối với những doanh nghiệp thật sự khó khăn nhưng có thái độ cầu thị, để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Theo đó, đại diện công ty đề nghị cho phép doanh nghiệp trích đóng và gia hạn thời gian hưởng chế độ BHYT theo từng tháng; gia hạn thời gian chậm thanh toán quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp 90 ngày. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp khắc phục nợ cho riêng từng người lao động để họ được hưởng các chế độ liên quan.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, BHXH TP HCM cho hay BHXH là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT do đó không có thẩm quyền giải quyết việc chậm đóng cho các đơn vị.
Hiện nay, dữ liệu thẻ BHYT được quản lý tập trung và liên thông với dữ liệu thu. Các cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám bệnh thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Cho nên, đơn vị cần đóng tiền BHYT hàng tháng để thẻ có giá trị sử dụng liên tục.
Đối với đơn vị chậm đóng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định để cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH, kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị chậm đóng, cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung trên sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.