Doanh nghiệp loay hoay trong triển khai công trình xanh

Admin
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, việc chưa có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh khiến họ loay hoay không biết triển khai và bàn giao cho Nhà nước như thế nào.

Mới chỉ có 300 công trình xanh

Tại tọa đàm “Chính sáchvà giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” ngày 18/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010.

Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn.

“Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.

Chủ đầu tư đối diện nhiều khó khăn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp nhiều khó khăn.

Đó là khó khăn tiếp cận và bảo đảm nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh. Chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…

Việt Nam mới chỉ có 300 công trình xanh.

Ở góc độ chủ đầu tư, đề cập đến khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển công trình xanh, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest phản ánh, Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh.

Chẳng hạn, đơn vị đã xây dựng hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các công trình. Tuy nhiên, đến khi hoàn thiện công trình thì doanh nghiệp loay hoay không biết triển khai, bàn giao cho Nhà nước như thế nào. Việc không có quy định hướng dẫn cụ thể khiến đơn vị này cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp khó.

Cần sớm ban hành hệ thống quy chuẩn

Ông Đặng Minh Phương – Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc của Saint - Gobain Việt Nam trăn trở, làm thế nào để giúp cho quá trình xác nhận công trình xanh được nhanh gọn hơn, sớm để cộng động có được một tiêu chuẩn chung về vật liệu đầu vào cho các công trình xanh. Từ đó, các đơn vị sẽ có được những tiêu chí cụ thể về công trình xanh để có thể áp dụng vào thực tế triển khai.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách, hàng lang pháp luật quy định rõ ràng về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể.

Quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi của các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội đồng Công trình xanh... và các chuyên gia nước ngoài.

Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Đồng thời đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngoài ra, cần thực hiện tuyên truyền sản phẩm “Công trình xanh, tiết kiệm năng lượng” trên thông tin đại chúng nhằm xác định vị thế của các dự án, công trình xanh trong sản phẩm của thị trường bất động sản.