Doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng tự chủ trước tác động từ xung đột Nga-Ukraine

Kỳ Văn
Trước tác động của chiến sự Nga-Ukraine, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn, cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, DN cần nâng cao khả năng chống chịu trước tác động của cuộc khủng hoảng.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ gặp những ảnh hưởng không nhỏ. Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu may mặc sang Nga, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, doanh nghiệp đang hứng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Cụ thể, một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga. Ngoài ra, việc các công ty may bị mất đơn hàng là có thể xảy ra. Ngoài khó khăn về thanh toán, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vận tải quốc tế, cụ thể lô hàng đã đến Hà Lan cũng đang tắc ở kho và chưa thể chuyển sang Nga.

“Trước đây dùng phương thức vận chuyển rẻ nhất là đường thuỷ, giờ có thể sắp phải vận chuyển bằng đường sắt hay hàng không, nhưng hai đường này hiện cũng rất vòng vèo. Quãng thời gian vận chuyển dài hơn sẽ có những rủi ro xảy ra, lưu kho thêm ngày nào mất tiền ngày đấy”, ông Nguyễn Duy Ninh cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, nước ta cần phải có chiến lược dài hạn xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu, khả năng tự chủ của nền kinh tế. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt hơn chính sách, giải pháp chương trình phục hồi kinh tế, phải làm nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“Phải thực hiện tốt hơn các chính sách và giải pháp của chương trình phục hồi phát triển kinh tế mà chúng ta ban hành, có tập trung làm nhanh hơn nữa, làm hiệu quả hơn nữa, đấy là yêu cầu, nhưng phải tích hợp thêm các giải pháp để đối phó với những vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến tranh và những biện pháp trừng phạt mà nó gây ra. Tôi đề nghị trong chương trình này tích hợp thêm vào các giải pháp các nguồn lực về khởi động phục hồi nền kinh tế có thể sử dụng linh hoạt. Hiện Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine. Điều này giúp ta có niềm tin về sự ứng xử nhanh chóng trong những hoàn cảnh đặc biệt”, ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến./.