Doanh nghiệp vượt khó để xuất khẩu: Cơ hội trong đại dịch

Kỳ Văn
Mặc dù trong tâm dịch, song nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu khu vực phía Nam vẫn tìm nhiều giải pháp, tận dụng cơ hội để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu, gia tăng sản lượng và mở thị trường mới.
vuot-kho-1631497914.jpg

Lách qua cửa khó

Trong tháng 8 vừa qua, Công ty CP VLXD VITALY (Công ty VITALY), Khu công nghiệp (KCN) Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương đã xuất khẩu 3 đợt hàng, trong đó có hai lô hàng gồm 63 container gạch men đi Malaysia, Yemen và 150 tấn hàng rời đi Campuchia. Bà Vũ Trang Nhung, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty VITALY cho biết, số lượng hàng xuất khẩu kể trên là một phần hàng hóa thuộc đơn hàng công ty đã ký trước đó với các đối tác nước ngoài. Dịch dã phức tạp nhưng trước đó công ty đã cố gắng tổ chức sản xuất để đảm bảo tiến độ của đợt giao hàng thứ nhất.

“Cước vận tải biển đang neo ở mức rất cao và không phải lúc nào cũng có tàu nhưng chúng tôi vẫn phải tìm mọi giải pháp để đưa hàng đi để đảm bảo tiến độ”, bà Nhung nói. Bà còn cho biết, cũng vì để đảm bảo tiến độ, công ty đã phải đưa hàng từ Bình Dương ra Hải Phòng, rồi từ đó mới xuất đi Yemen.

Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Đại Dũng (TPHCM), đơn vị chuyên sản xuất nhà tiền chế công nghiệp và các loại cấu kiện thép cho biết, khi dịch diễn biến phức tạp, công ty tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” tại các cụm nhà máy ở KCN An Hạ (TPHCM), Đức Hòa (Long An) và Dung Quất (Quảng Ngãi) với khoảng 90% lao động trực tiếp và 50-60% lao động gián tiếp. Nhờ vậy, các dây chuyền sản xuất vẫn hoạt động đều đặn, đảm bảo khoảng 90% sản lượng và đặc biệt vẫn đảm bảo tiến độ giao hàng, nhất là hàng xuất khẩu.

Bình quân mỗi tháng công ty giao khoảng 6.000 tấn hàng, trong đó trên 2.000 tấn hàng xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, Cu Ba, Nhật Bản. “Xuất khẩu hiện nay còn tốt hơn cả năm ngoái, bởi dịch nên nhiều DN cùng lĩnh vực khác đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng”, ông Hùng cho biết. Cũng theo ông Hùng, trong tình cảnh hiện nay, DN nào tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo được chất lượng và tiến độ giao hàng thì sẽ tăng sản lượng xuất khẩu. Đó cũng chính là lý do đơn hàng của Công ty Đại Dũng không chỉ có đủ việc làm cho công nhân trong cuối 2021 mà còn đến hết quý 1 sang năm.

 Doanh nghiệp vượt khó để xuất khẩu: Cơ hội trong đại dịch  - Ảnh 1.

Công nhân Công ty CP S Furniture nỗ lực hoàn thành đơn hàng chuẩn bị xuất sang Mỹ, Canada Ảnh: U.P

Tuy nhiên, theo ông Hùng, cái khó nhất của DN sản xuất hàng xuất khẩu là đảm bảo tiến độ giao hàng trong hoàn cảnh thiếu lao động và vận tải tàu biển gặp khó khăn. Ngoài ra, nguyên liệu thép đầu vào từ đầu năm tăng cao với mức bình quân khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Chi phí vận tải, logistics cũng tăng mạnh. Chưa kể, sản xuất “3 tại chỗ” phải tăng nhiều chi phí nên lợi nhuận giảm mạnh… “Chúng tôi xác định mục tiêu chính lúc này không phải lợi nhuận mà là giữ nhịp tăng trưởng và đảm bảo việc làm, ổn định đời sống người lao động”, ông Hùng nói.

Chế biến sâu

Trong khi nhiều DN tạm ngừng hoạt động thì Công ty TNHH Huy Long An (Long An) vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Công nhân tại công ty này vẫn miệt mài đưa chuối từ trang trại vào dây chuyền sơ chế đo, cân, rửa,… và đóng gói, vô hộp. Quy trình sản xuất chuối vẫn như trước, chỉ có khác biệt là người lao động giãn cách, không trò chuyện; ai cũng phải đeo khẩu trang và thường xuyên xịt cồn rửa tay. Ông Võ Quan Huy, chủ DN cho biết, công nhân đều được tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và thực hiện “3 tại chỗ” hơn 2 tháng nay, để đảm bảo sản xuất. Lượng hàng của công ty chủ chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Nhật Bản.

Chia sẻ về tín hiệu tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) cho biết, đối với các sản phẩm đạt chất lượng tốt thị trường nào cũng cần. Chẳng hạn, sầu riêng Ri6 đang “cháy hàng” ở thị trường Thái Lan, Malaysia, mặc dù đã trữ lại nhiều nhưng vẫn không đủ cung cấp. Hiện tại, Công ty Chánh Thu thu mua từ 100 đến 200 tấn sầu riêng/ngày để xuất khẩu. “Người tiêu dùng vẫn chú trọng chất lượng để có thể cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia. Công ty có bộ tiêu chuẩn chất lượng riêng, đã xác định mục tiêu ban đầu là cạnh tranh với Malaysia và Thái Lan để xây dựng thương hiệu cho Việt Nam”, bà Vy chia sẻ.

Năm nay hàng tươi giảm nhiều do cước vận chuyển tăng cao … Vậy nên công ty hạn chế xuất khẩu sản phẩm tươi. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh hàng chế biến sâu như hàng sấy, đông lạnh. Khuynh hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước.

Ngoài ra, Công ty Chánh Thu còn chủ động chuỗi liên kết bằng cách sử dụng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu. Cụ thể là công ty mời thương lái từ các địa phương tham gia vào chuỗi liên kết để sau dịch bệnh, nông dân sẽ thấy được giá trị khi tham gia vào chuỗi liên kết. Cái lợi lớn nhất mà Công ty Chánh Thu thu được trong đợt dịch này là việc liên kết giữa DN và nông dân chặt chẽ hơn, nông dân chủ động hợp tác hơn. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác.

Lên sàn đưa sản phẩm đi xa

Bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, Phó giám đốc Công ty Kim Minh International (TP Thủ Đức), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây cho biết: Công ty khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm, tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên thế giới; đồng thời đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng tệp khách hàng trong nhiều lĩnh vực. “Chúng tôi cùng khách hàng ngồi lại đàm phán, chia sẻ rủi ro về giá cước, tiến độ giao hàng; đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ mùa vụ thu hoạch, từ đó có phương án tập trung chào bán xuất khẩu sản phẩm phù hợp… Nhờ có sự liên kết, chia sẻ thông tin như vậy, Công ty Kim Minh International vẫn có thể xuất khẩu ổn định trong mùa dịch”, bà Ngân cho hay.

“Chúng tôi xuất khẩu trái cây đông lạnh nhưng khi khách hàng ăn vẫn cảm nhận được hoa quả gần như tươi nguyên. Đó chính là câu chuyện bảo quản sau thu hoạch mà Công ty Chánh Thu đang làm rất thành công hiện nay”.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu

Phấn khởi khi khai thác được thị trường “mới toanh” ngay trong đại dịch, ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Công ty CP S Furniture chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất cho biết, đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng sofa cho thị trường Canada với trị giá hàng triệu USD. Ngoài ra, Công ty cũng đang sản xuất lượng lớn sofa để xuất đi Mỹ. “Công ty đã triển khai thực hiện “3 tại chỗ” từ trước khi có quy định. Công nhân ở lại nhà máy trên 70% nên vẫn đảm bảo việc sản xuất đơn hàng đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Công ty cũng xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, dành một khoản tích lũy nhất định để lường trước những khó khăn có thể xảy ra. Khi đại dịch bùng phát trở lại, chúng tôi ngay lập tức “kích hoạt” hệ thống này, rà soát tất cả các hoạt động của công ty và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới”, ông Vạn chia sẻ.

Để có thể giữ vững đơn hàng xuất khẩu mùa dịch, Công ty CP S Furniture đã thay đổi cách thức hoạt động rất nhiều, từ chào hàng, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, tự kiểm hàng, phát triển mẫu, thay đổi về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại. Tính đến tháng 7/2021, công ty đã đạt doanh số bằng cả năm 2020.