Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có 120 điều, gấp đôi điều của luật hiện hành nhưng phải rà soát, tránh trùng lặp

Tuyết Trang
Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm sửa đổi gồm người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm sửa đổi.

Ảnh minh họa, nguồn internet.Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm sửa đổi gồm Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý Nhà nước về việc làm.

Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm sửa đổi gồm người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. Đối tượng áp dụng này được giữ nguyên như dự án Luật Việc làm sửa đổi được xây dựng nhằm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động trong Nghị quyết số 42-NQ/TW…

“Dự thảo luật kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực trạng thị trường lao động, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh quochoi.vn.Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh quochoi.vn.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đã bám sát 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua; dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; thành phần Hồ sơ dự án Luật đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho biết, chất lượng của các báo cáo thành phần cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách còn thiếu số liệu, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định sửa đổi trong dự thảo Luật; chưa đánh giá cụ thể tác động đối với ngân sách Nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, mở rộng hoặc không quy định giải pháp để thực hiện đã làm thay đổi nội hàm của chính sách đã đề ra khi đề xuất xây dựng Luật. Có chính sách đã được quy định trong Luật hiện hành, chưa thực hiện được nhưng vẫn tiếp tục được quy định nhưng không có giải pháp sửa đổi căn cơ để khắc phục những bất cập đã được nhận diện. Có những quy định để đáp ứng với bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, già hóa dân số nhưng chỉ quy định mang tính tuyên ngôn, chưa bảo đảm tính khả thi. Một số quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm tính khả thi, thiếu các quy định để đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong quá trình quản lý.

Góp ý về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Luật Việc làm sửa đổi có ý nghĩa rất quan trọng. Lưu ý việc, dự thảo luật sửa đổi có tới hơn 120 điều so với 61 điều trong luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ, đảm bảo gọn, rõ, dễ áp dụng và thực thi; tránh trùng lặp hoặc xung đột với Bộ luật Lao động và các luật liên quan khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Đây là công cụ để thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộChủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ. Ảnh quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành việc bỏ Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và cho rằng, đây là giải pháp phù hợp, đồng bộ với các quy định về ngân sách.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình với ý kiến này, theo đó, đề nghị tổng kết, bổ sung đánh giá về hiệu quả hoạt động của quỹ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng được vay vốn hỗ trợ việc làm.

Nêu ý kiến thẩm tra về chính sách hỗ trợ tạo việc làm (Chương II), Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là người đã chấp hành xong hình phạt tù trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Về Bảo hiểm thất nghiệp (Chương VII), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp; và Xác định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 7…

PV (t/h)