Tiến sĩ Trương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị
Thiếu hụt nhân lực khi hoạt động trở lại
Phát biểu tại hội nghị Tuyển sinh – đào tạo và cung ứng nhân lực lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn ngày 26/4, tiến sĩ Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Hai năm qua ngành du lịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi các hoạt động gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động trở lại thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.
Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy trong đến tháng 9/2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết tháng 12/2021 kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.
Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian…
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của ngành du lịch trong thời gian qua, bà Ngô Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết: Lần đầu tiên ngành du lịch của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Trước đây cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch SARS chỉ ảnh hưởng ở tầm khu vực là Bắc Á, Trung Quốc nhưng dịch COVID-19 lần này là chuỗi toàn cầu. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy đang có một lượng “chảy máu” nguồn nhân lực ngành du lịch rất lớn.
Bà Ngô Thị Xuân cho rằng, đầu tiên phải có giải pháp cho lực lượng nhân sự còn lại với ngành du lịch, họ cần được đào tạo lại trong khoảng thời gian ngắn nhất những kỹ năng nghiệp vụ mà trong khoảng 2 năm vừa rồi họ không có cơ hội để thực hiện. Các doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà trường trong việc đào tạo lại các đối tượng này. Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút nhân lực vào ngành du lịch.
Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo
Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch, trách nhiệm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong công cuộc đó là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động có tay nghề để tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng khi mà mở cửa du lịch là một mũi nhọn đã được Chính phủ xác định là trọng tâm trong phục hồi kinh tế.
Theo tiến sĩ Trương Anh Dũng, trước bài toán thiếu hụt nhân lực lao động hiện nay, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng để đáp ứng được nhu cầu khi mà lĩnh vực này đang trở lại hết sức mạnh mẽ, chúng ta cần rút ra được những bài học quý giá trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tuyển sinh. Đó là sự linh hoạt, hợp tác chặt chẽ trong tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm.
“Chủ trương gắn kết nhà trường – doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực", tiến sĩ Trương Anh Dũng cho biết.