Sáng 8/8, chị Tuyết Nhung ở đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân vào chợ Nhân Chính mua thực phẩm, nhưng đắn đo không biết nên mua gì bởi mặt hàng nào cũng tăng giá, từ rau xanh đến thịt cá. Làm nghề du lịch thất nghiệp hơn 1 năm nay, tiền tiết kiệm cũng cạn dần mà giá thực phẩm tăng cao nên chị đành cắt bớt khẩu phần so với lúc trước.
“Nếu tuần trước thịt gà 120.000 đồng/kg thì tuần này lên 150.000 đồng/kg; thịt nạc vai 140.000 đồng/kg thì nay tăng lên 160.000 đồng/kg. Bún, bánh phở từ 12.000 tăng lên 15.000, thậm chí 20.000 đồng/kg. Lá lốt tuần trước có 2.000 đồng/mớ thì tuần nay lên 5.000 đồng/mớ; rau muống lên đến 20.000 đồng/mớ. Lúc nào cũng nghe báo đài nói các bà nội trợ cứ yên tâm đi chợ, giá cả không tăng, bình ổn nhưng tôi không thấy bình ổn tí nào”, chị Nhung ca thán.
Tình trạng tăng giá thực phẩm diễn ra ở hầu hết các quận nội thành. Chị Nguyễn Thu Hương, ở quận Tây Hồ chia sẻ, nhiều người nói giá cả tăng theo tuần nhưng chị thấy giá cả tăng theo ngày.
“Hỏi các tiểu thương ở chợ sao giá tăng cao thế, họ bảo không thể chở thực phẩm vào thành phố, chỉ có xe luồng xanh mới được vào vì chốt chặn các thứ, có hàng cũng không mang được vào. Bây giờ giãn cách, những người làm công ăn lương không khó khăn lắm, nhưng những người thất nghiệp tiền không làm ra mà giá cả mọi thứ đều tăng sẽ không biết sống ra sao”, chị Hương than phiền.
Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, giá thực phẩm tăng dần sau khi một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa do có ca mắc Covid-19.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 130.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, có nơi tăng đến 180.000 - 200.000 đồng/kg. Giá thịt bò 290.000 - 330.000 đồng/kg; trứng gà ta 38.000-50.000 đồng/chục... Rau củ quả cũng tăng giá, rau muống tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 - 20.000 đồng/mớ, dứa tăng giá từ 12.000 đồng/quả lên 17.000 - 20.000 đồng/quả. Các loại hoa quả đồng loạt tăng 5.000-7.000 đồng/kg.
Giải thích sự tăng giá thực phẩm, nhiều tiểu thương cho biết, dù thực phẩm và rau xanh không thiếu nhưng do một số chợ đầu mối đóng cửa, việc đưa thực phẩm từ các vùng lân cận vào thành phố gặp nhiều khó khăn, đẩy giá thực phẩm lên cao.
Bên cạnh đó, các lò mổ lợn cũng bị dừng hoạt động nên nhiều tiểu thương không có hàng bán dẫn đến giá thịt cũng tăng. Không chỉ giá thực phẩm ở chợ dân sinh tăng mà cả các cửa hàng thực phẩm an toàn cũng nhích lên.
Chị Lê Thị Phượng ở chợ Nhân Chính, Thanh Xuân và chị Phạm Thị Tính, chợ dân sinh phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ:
“Các chợ đầu mối đóng cửa thì chúng tôi phải lấy hàng ở chợ gần, buôn ở chợ nhà nên cái gì cũng đắt. Giá lên nhiều, bắp cải, cà chua, rau muống đều lên giá. Dưa chuột lấy vào đã 25.000 đồng/kg, rau sống cũng 30.000 đồng/kg. Rau ở nhiều nơi vẫn nhiều nhưng do người ta không mang về đây được”.
“Nếu hàng ở mình có sẵn thì sẽ rẻ nhưng ở các nơi chuyển về ít sẽ thành đắt mà nhu cầu của mọi người vẫn phải ăn, tiểu thương không tự tăng giá được. Không phải hàng khan hiếm mà do giãn cách xã hội, ai ở đâu phải yên ở đấy, không vận chuyển được về hàng hóa về đến chợ giá đắt lên”.
Trong khi đó, tại các siêu thị, ngoài trứng gia cầm các mặt hàng khác vẫn khá dồi dào giá không biến động mạnh. Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, nguồn hàng cung cấp cho những chợ đầu mối bị đóng cửa đã được các siêu thị đang hoạt động thu mua để tăng dự trữ, do vậy những ngày qua, hàng hóa vẫn đảm bảo tại các siêu thị đang hoạt động. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, giá thực phẩm tăng do yếu tố cung cầu.
Để sớm đưa giá thực phẩm, rau xanh trở lại bình thường, dự kiến khoảng ngày 9-10/8 chợ đầu mối phía Nam sẽ mở cửa trở lại. Sau đó lần lượt tới các chợ đầu mối và 65 cửa hàng, siêu thị còn cũng sẽ sớm hoạt động trở lại. Trong khi chờ mở cửa, thành phố sẽ chủ động mở thêm các điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa.
“Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương và Sở NN&PTNT giãn cách các chợ đầu mối, đề phòng các chợ đầu mối bị đóng cửa trở lại do nhiễm dịch. Sở Công Thương đã dự kiến một số điểm đó là Bến xe Hà Đông, Khu công nghiệp Nam Hà Nội, khu tái định cư ở Sóc Sơn, số 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm đảm bảo cho các địa điểm này thông thoáng ở các cửa ngõ vào Thủ đô để cho các tỉnh đưa hàng hóa vào làm nơi trung chuyển, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành”, bà Lan cho biết./.