Giá sắt thép tăng cao khiến nhà thầu, chủ đầu tư điêu đứng

Kỳ Văn
Dù giá sắt, thép có giảm nhưng vẫn cao. So với cuối năm 2020, giá thép xây dựng tăng gấp 1,7 lần khiến chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng lao đao.

Anh Nguyễn Công Chính, đại lý sắt thép trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ buôn bán lại khó khăn như năm nay. Sắt, thép đều lên nhưng đại lý còn gặp phải tình cảnh không có hàng. Cứ 2, 3 ngày, thép lại điều chỉnh tăng một lần. Có thời điểm, vừa mở cửa hàng, các kho đã báo giá thép lên. So với cuối năm 2020, giá thép đến nay tăng gấp 1,7 lần.

Giá sắt thép tăng cao khiến nhà thầu, chủ đầu tư điêu đứng - Ảnh 1.

Đại lý sắt, thép trên đường Giải Phóng (Hà Nội) méo mặt vì giá thép có thời điểm tăng từng ngày. - Ảnh: Ngọc Mai


.Đại lý của anh Chính bán nhiều loại thép của các thương hiệu như: Hòa Phát, Việt Úc, Thái Nguyên... thép cuộn là D68 (phi 6) tính theo kg, giá dao động trên dưới 16 nghìn/kg; thép cây từ D10 (phi 10) đến D22 (phi 22), giá từ 97.000 - 533.000 đồng/cây.

Theo anh Chính, từ đầu năm, mỗi lần lên vài trăm đồng. Tính đến thời điểm này, giá thép tăng lên 1,7 lần (so với cuối năm 2020). Có ngày điều chỉnh tăng giá 2 lần.

Thép tăng giá khiến chủ cửa hàng sắt thép chóng mặt điều chỉnh giá bán hằng ngày.Thép tăng giá khiến chủ cửa hàng sắt thép chóng mặt điều chỉnh giá bán hằng ngày. Giá sắt thép tăng cao khiến nhà thầu, chủ đầu tư điêu đứng - Ảnh 2.

Thép tăng giá khiến chủ cửa hàng sắt thép chóng mặt điều chỉnh giá bán hằng ngày.

Anh Nguyễn Việt, chủ cửa hàng thép Hoàng Mai xác nhận, giá thép xây dựng tăng liên tục, chưa có đợt nào giảm nên chỉ dám báo giá 2 ngày/lần.

"Thời gian này, hoạt động xây dựng nhiều, trong khi nguồn hàng đang khan khiến ngay cả những đại lý lớn như của tôi cũng bị "ép". Nếu lấy hàng phải lấy cả xe, không thì thôi chứ không được lựa chọn", anh Việt nói.

Khảo sát bảng giá trên một website uy tín của ngành thép, tháng 6/2021, giá thép Hoà Phát loại phi 22 được báo 280.000 đồng/cây, hiện nay 463.000 đồng/cây, tăng 65%; Thép Việt Nhật phi 22 đang báo 489.000 đồng/cây, cao hơn 96.000 đồng (24%) so với tháng 6/2020 là 393.000 đồng/cây.

thang-7-1626223061.jpg

Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá sắt, thép vào đầu tháng 7 nhưng không đáng kể.

Đầu tháng 7, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép thông báo giảm giá thép 300 đồng/kg song các đại lý cho biết, mức giảm không đáng là bao. Việc giá sắt, thép tăng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng.

Một giám đốc dự án chung cư ở Gia Lâm tính toán, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…), khi giá thép tăng như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng/m2. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá nhà có thể đội lên trên 10% và khi đó khách hàng là người gánh chịu.

Với các nhà thầu xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, giá sắt, thép tăng cũng khiến họ điêu đứng.

Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 (đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn và Mỹ Thuận - Cần Thơ chia sẻ, do hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh tăng nên nhà thầu rất khó khăn.

Ông Khiêm cho rằng, công ty 319 là doanh nghiệp nhà nước, đã ký hợp đồng là phải làm nhưng với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay, biết chắc làm sẽ bị lỗ. Tiếp đến, nhiều địa phương cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ đất và nơi đổ thải, đồng thời yêu cầu phải trả tiền cho việc đổ thải, nên lại thêm khó khăn.

"Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện chúng tôi không thi công sẽ chậm tiến độ còn thi công sẽ lỗ", ông Khiêm nói.

Sau khi Bộ Xây dựng có công văn chỉ đạo các địa phương báo cáo tình hình giá thép xây dựng, mới đây, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam có công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá thép.

Hiệp hội nhấn mạnh các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị với gói thầu sử dụng vốn nhà nước, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính có thông tư hướng dẫn cho phép điều chỉnh sắt thép. Bên cạnh đó, giao cho các Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh công bố giá để điều chỉnh theo từng tháng (trong thời gian sắt, thép tăng đột biến).

Đối với gói thầu sử dụng nguồn vốn khác, khuyến cáo chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ vào hợp đồng, khối lượng thi công theo từng thời điểm giá và chênh lệch giá, tính toán để hai bên thương lượng thỏa thuận trong phụ lục giải quyết theo hợp đồng.