Giá vàng hôm nay 10/2/2023: Giá vàng tăng 4 phiên liên tiếp, triển vọng vẫn mờ mịt vì sao? Vàng SJC biến động thế nào?

Admin
Giá vàng hôm nay 10/2/2023 tăng liên tiếp nhờ USD và lợi suất trái phiếu Mỹ chững lại. Giới đầu tư vẫn chờ thêm các tín hiệu mới từ kinh tế Mỹ, để dự đoán chính xác hơn về lộ trình nâng lãi suất của Fed thời gian tới. Giới chuyên gia cho rằng, không chỉ khả năng lãi suất cao hơn đẩy giá vàng đi xuống mà còn có một lý do khác.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 10/2/2023

Giá vàng thế giới tăng phiên thứ tư liên tiếp, khi đồng USD đột ngột chững lại và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Trong khi môi trường lãi suất cao của Mỹ sẽ khiến vàng khó tăng mạnh.

Sự điều chỉnh của vàng xuống dưới 1.900 USD sau khởi đầu năm tốt nhất trong một thập kỷ có thể chưa kết thúc, khi một chiến lược gia thị trường cảnh báo, kim loại quý đang được định giá quá cao và nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Trong khi đó, triển vọng của thị trường vàng vẫn bị “mây mù che phủ” khi một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, ngân hàng Trung ương cần tăng lãi suất thêm nữa nhằm kiềm chế lạm phát.

Trong phiên giao dịch cuối ngày, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 1.886,4 - 1.887,4 USD/ounce, tăng 10 USD (0,58%) so với phiên liền trước, ghi nhận của TG&VN lúc 21h30 ngày 9/2 (giờ Việt Nam). Lần cuối cùng, vàng giao tháng 4 tăng 2,50 USD lên 1.893,20 USD.

Tại thị trường trong nước, lúc 17h12 (ngày 9/2), giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 66,55 - 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng hôm nay 10/2/2023: Giá vàng quay đầu
Giá vàng hôm nay 10/2/2023: Giá vàng tăng 4 phiên liên tiếp, triển vọng vẫn mờ mịt vì sao? (Nguồn: Kitco)

Giá vàng miếng SJC trong phiên giao dịch ngày 9/2, quay đầu giảm trong khi giá vàng nhẫn, vàng trang sức lại tăng.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 9/2:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,55 - 66,37 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,60 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,55 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,60 – 67,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,60 – 67,35 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,13 – 54,98 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,70– 54,80 triệu đồng/lượng.

Vàng đang được định giá quá cao?

Nhà phân tích thị trường cấp cao Matt Simpson, tại Công ty Dịch vụ tài chính City Index và Giám đốc Ajay Kedia tại Kedia Commodities Mumbai có chung quan điểm rằng, “giá vàng đang bước vào giai đoạn củng cố, có nghĩa là nó đang giao dịch trong phạm vi hẹp và dao động giữa các mức kỹ thuật”. Nhiều khả năng giá sẽ duy trì biên độ dao động trước khi dữ liệu lạm phát cập nhật nhất được công bố vào tuần tới.

Trong khi ngày 8/2, các quan chức Fed cho biết, Fed có thể tăng lãi suất nhiều lần hơn khi ngân hàng này đẩy mạnh việc “hạ nhiệt” lạm phát. Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng, mặc dù tăng trưởng tiền lương đã chậm lại nhưng “không đủ” và “Fed sẽ cần phải duy trì lập trường chặt chẽ của chính sách tiền tệ trong một giai đoạn. Các bình luận này được thị trường coi là “diều hâu” và kìm hãm giá vàng.

Trong khi trước đó, những bình luận ít “cứng rắn” hơn và tỏ ra ôn hòa của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã giúp vàng hấp dẫn hơn, duy trì mức giá trên mức thấp nhất của tuần trước.

Nhưng nếu lạm phát tiếp tục tăng, nó sẽ chỉ ra thực tế rằng, có thể kinh tế Mỹ sẽ còn mất nhiều thời gian hơn để kết thúc chính sách nâng lãi suất, điều này sẽ gây áp lực lên vàng.

Những người tham gia thị trường đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào tuần tới, dữ liệu này có thể cung cấp thêm thông tin về lộ trình chính sách tài chính của Fed. Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ, dự kiến được công bố vào 13h30 (giờ địa phương) cũng đang được chú ý.

Trong khi đó, bình luận về đường đi của giá vàng, chuyên gia Huw Roberts, Trưởng bộ phận phân tích tại Quant Insight, nói rằng, vàng được định giá quá cao một chút theo mô hình của công ty ông. Ông nói thêm rằng, ở mức cao nhất gần đây, vàng cao hơn khoảng 6,5% so với giá trị hợp lý của nó.

Chuyên gia Huw Roberts bình thuận thêm rằng, mặc dù đợt điều chỉnh đã làm dịu thị trường một chút, nhưng môi trường vĩ mô tăng giá đang bắt đầu thay đổi, điều này có thể gây áp lực lên vàng trong thời gian tới. “Chúng tôi đã chứng minh mức giá trị hợp lý được đảm bảo vĩ mô ở mức 1.822 USD, vì vậy giá vàng vẫn còn giảm thêm chút nữa”, vị chuyên gia này dự đoán.

Phân tích về diễn biến của thị trường thời gian qua và về điều gì đã thúc đẩy hoạt động vượt trội của vàng, chuyên gia Roberts cho rằng, nhu cầu vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương đã thúc đẩy tâm lý lạc quan. Giá vàng đã thoát khỏi mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 11/2022 sau khi báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng trong quý đầu tiên. Kỳ vọng bắt đầu tăng lên khi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua một lượng vàng chưa từng có.

Tuần trước, WGC báo cáo rằng, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 800 tấn vàng trong nửa cuối năm 2022, tích lũy 417 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12. Năm 2022 kết thúc là một năm kỷ lục, với việc các ngân hàng trung ương bổ sung 1.136 tấn vàng vào dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Chuyên gia Roberts cũng cho biết thêm rằng, bối cảnh cơ bản tăng giá này cũng xuất hiện vào thời điểm khi vị thế đầu cơ giảm giá ở mức cao nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, "có vẻ như động lực mua hàng của ngân hàng trung ương đã hết và giờ các nhà đầu tư đang tập trung vào các chính sách tiền tệ toàn cầu, điều này có thể gây ra vấn đề đối với kim loại quý", chuyên gia của Quant Insight bình luận.