Giá vàng hôm nay 14/8, Giá vàng tăng yếu ớt, đe dọa lao dốc, vàng SJC chiều lòng người. (Nguồn: Shutterstock) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/8
Tuần này, giá vàng trong nước trải qua nhiều phiên tăng-giảm trái chiều, kết thúc 6 phiên giao dịch trong tuần khi ghi nhận mức tăng giá nhẹ.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 8/8, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3 - 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Tới phiên 9/8, giá vàng trong nước tăng 150 nghìn đồng/lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,5 - 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Sáng 10/8, giá vàng SJC niêm yết mức 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Sáng 11/8, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Sáng 12/8, giá vàng trong nước giảm 50 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua (11/8).
Thời điểm 8 giờ 40 phút, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,05 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Chốt phiên cuối tuần 13/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,6 – 67,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với phiên đầu tuầ 8/8 ở mức 66,3 - 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng SJC trong nước tăng nhẹ 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng trong phiên giao dịch cuối tuần 12/8. Khép phiên này, giá vàng trong các hợp đồng kỳ hạn hết hạn vào tháng 12 đã tăng 8,30 USD, 0,5%, lên 1.815,50 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Đây là chuỗi tăng giá dài nhất kể từ ngày 31/12/2021, theo Dow Jones Market Data.
Trước đó, giá vàng đã có hai phiên tăng liên tiếp đầu tuần, nhưng trong hai phiên sau đó, giá kim loại quý lại đi xuống.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Bảy đã không tăng so với tháng trước nhờ giá xăng giảm, dấu hiệu đầu tiên giúp người Mỹ được giải tỏa sau thời gian chứng kiến lạm phát leo thang chóng mặt trong hai năm qua.
Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch (12/8) trên sàn Kitco tại 1.805,0 USD/ounce.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 13/8:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,6 – 67,6 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,55 – 67,55 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,55 – 67,53 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,6 – 67,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,58 – 67,54 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,93 – 53,69 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,4 – 53,5 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 13/8, 1 USD = 23.530 VND, giá vàng thế giới tương đương 51,17 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 16,43 triệu đồng/lượng.
Vàng không thể bứt phá
Nếu vàng không thể đóng cửa quanh mức 1.820 USD/ounce, một cuộc tăng giá đột phá vào mùa Hè có thể nằm ngoài dự đoán đối với kim loại quý này, với một số nhà phân tích thậm chí còn cảnh báo về mức giảm xuống 1.700 USD/ounce.
Vàng đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu với tuần tăng giá thứ tư liên tiếp, tăng 1,5%, với giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch cuối cùng ở mức 1.818,10 USD/ounce.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng vàng sẽ có một đợt phục hồi đáng kể sau khi lạm phát giảm tốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 thấp hơn kỳ vọng, với lạm phát hằng năm ở mức 8,5%, sau khi tăng 9,1% của tháng Sáu. Nhưng vàng không thể tận dụng được cơ hội này.
Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, nói với Kitco News: "Dữ liệu CPI thấp hơn nhiều người mong đợi. Và điều đó chủ yếu được thúc đẩy bởi sự sụt giảm giá năng lượng".
"Tiếp tục có một vấn đề quan trọng xung quanh lạm phát. Rất có thể lạm phát sẽ nằm ngoài dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)", chuyên gia Melek nói.
Vấn đề là giá năng lượng có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn, nhưng áp lực lạm phát có thể quay trở lại khi mùa Đông đang tới dần. Và theo Melek, điều này khó có thể ngăn cản Fed tăng lãi suất.
Ngoài ra, trưởng nhóm chiến lược gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định, đã có một đợt phục hồi rủi ro trên thị trường chứng khoán, vốn đã lấy đi dòng tiền khỏi vàng.
Và những người kiếm tiền bằng kim loại quý trong đợt tăng giá mới nhất có thể đang tìm cách chuyển những khoản thu nhập này vào các loại tài sản khác với mức gia tăng đáng kể, như cổ phiếu.
Streible chỉ ra rằng ông rất thận trọng khi bước vào tuần tới sau khi vàng không thể vượt qua mức 1.850 USD/ounce.
"Đầu tuần, chúng ta đã chứng kiến đồng USD giảm và giá vàng tăng trở lại, nhưng không thể bứt phá. Kim loại quý này phải đạt mức 1.850 USD/ounce, đó là một giá trị hợp lý. Thực tế là chúng đã không bứt phá để tăng và lấy lại động lực khiến tôi phải thận trọng một chút", ông nói.
Chiến lược gia Streible nói thêm, vàng cần đóng cửa ở mức 1.825 USD/ounce để khôi phục lại động lực tăng giá mới. "Nếu không, biểu đồ có vẻ hơi mệt mỏi, từ góc độ kỹ thuật", ông lưu ý.
Trong khi đó, chuyên gia Melek cho biết, ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là xung quanh đường trung bình động 50 ngày ở mức 1.783 USD và mức kháng cự là 1.830 USD/ounce; nếu 1.783 USD không được giữ, thì 1.772 USD sẽ phát huy tác dụng.
Vàng sẽ đóng một vai trò lớn trong việc “thiết lập lại tiền tệ” toàn cầu
Theo ông Maxime Bernier, cựu Bộ trưởng từ năm 2006-2015 dưới thời Thủ tướng Canada Stephen Harper, việc thiết lập lại tiền tệ toàn cầu là không thể tránh khỏi, vì các loại tiền pháp định (fiat money) đang bị giảm giá do in quá nhiều.
Ông nói: "Một hệ thống tiền tệ được hỗ trợ bởi hàng hóa sẽ đến… Tôi không biết khi nào, nhưng một hệ thống tiền fiat không thể tồn tại quá lâu. Và sau nhiều thập niên, với tất cả nợ nần và việc in tiền trên khắp châu Mỹ, Canada và châu Âu, nó sẽ phải kết thúc".
Theo ông Bernier: “Chúng ta cần nói với các ngân hàng trung ương để có mục tiêu lạm phát bằng 0. Sau đó, tôi tin rằng, chúng ta cần phải thiết lập lại tiền tệ trên phạm vi quốc tế, có tiền dựa trên vàng hoặc các hàng hóa khác, giống như chúng ta đã có trong thế kỷ XIX”.
Khẳng định việc in tiền quá mức và gánh nặng nợ liên bang gia tăng đã dẫn đến lạm phát cao ở Canada, tỷ lệ lạm phát của nước này ở mức 8,1% trong tháng Sáu, ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần cân đối ngân sách. Chúng ta cần ngừng tiêu tiền mà chúng ta không có".
Vị cựu Bộ trưởng nói: “Bạn có thể thấy xu hướng phi USD hóa ngay bây giờ, với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ”, đồng thời đề cập kế hoạch tung ra đồng tiền dự trữ toàn cầu mới của các nước BRICS.
"Họ đang tìm kiếm một loại tiền tệ mới dựa trên hàng hóa, và có thể dựa trên vàng ... Tôi là một người truyền thống hơn, tin vào một loại bản vị vàng mà chúng ta đã có trong thế kỷ XIX", ông khẳng định.