Giá vàng hôm nay 26/7: 'Khẩu vị' nhà đầu tư thay đổi, vàng có khả năng đại hạ giá?

Kỳ Văn
Giá vàng cả tuần trước giằng co cố giữ bằng được ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce. Nhưng các nhà phân tích hiện không loại trừ khả năng vàng bị bán tháo, thậm chí "đại hạ giá" xuống còn 1.730 USD, do "khẩu vị" nhà đầu tư thay đổi trước những rủi ro, trong khi USD mạnh hơn sẽ tiếp tục đè nặng lên vàng.
Giá vàng hôm nay 26/7: 'Khẩu vị' đầu tư thay đổi, vàng có khả năng đại hạ giá?
Cuối tuần trước, giá vàng bật lên rồi lao xuống sát ngưỡng 1.800 USD, chốt phiên đóng cửa tại 1.803.2 USD/ounce.

Biến động giá vàng hôm nay 26/7

Sự kết hợp giữa cổ phiếu cao hơn, lợi suất nợ chính phủ tăng và sức mạnh của USD đã gây áp lực buộc vàng phải giao dịch trong phạm vi hợp nhất quanh mức 1.800 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (23/7), giá vàng trên sàn Kitco liên tục dao động lên xuống trong biên độ hẹp, bật lên rồi lao xuống sát ngưỡng 1.800 USD, chốt tại phiên đóng cửa ở 1.803.2 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, trong phiên cuối tuần, giá vàng SJC duy trì đà tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng đến chốt phiên, tại một số hệ thống kinh doanh vàng trên toàn quốc. Công ty VBĐQ Sài Gòn ghi nhận giá vàng SJC cuối phiên cùng đứng yên ở cả hai chiều giao dịch, niêm yết tại 56,85 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng SJC chốt phiên tại hệ thống Bảo tín Minh Châu giữ nguyên giá mua vào - bán ra ở mức 56,90 - 57,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng. Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp Bảo tín Minh Châu thông báo ngừng giao dịch trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19.

So với cuối tuần trước, giá vàng SJC gần như không thay đổi, trong khi giá vàng trang sức giảm khoảng 350.000 đồng/lượng. Sức mua trên thị trường cũng giảm mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác trên toàn quốc.

Chứng khoán "thắng lớn", hút vốn nhà đầu tư

Tiếp tục có những "luồng gió ngược" được tạo ra bởi nhiều loại tài sản tài chính đã tiếp tục gây áp lực lên giá vàng.

Một trong những loại tài sản chính gần đây đã gây áp lực buộc kim loại quý phải hạ giá là thị trường chứng khoán. Loại tài sản có rủi ro cao hơn tiếp tục có những mức tăng trưởng cao nhất mọi thời đại. Ngày 23/7, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa trên 35.000 sau khi đóng cửa ở 35.061,55 điểm. S&P 500 cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại khi đạt 4.411,79 sau khi tăng 1,01% trong ngày. Chỉ số tổng hợp NASDAQ với mức tăng 1,04%, đã đưa chỉ số công nghệ lên mức cao kỷ lục, đạt 14.836,9911 điểm.

Với việc cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, rõ ràng cho thấy, dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường đang lên này.

Một loại tài sản khác tạo áp lực giảm giá cho kim loại quý là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng cao hơn một chút sau khi giao dịch lên mức cao nhất trong ngày là 1,3%. Vào lúc đóng cửa thị trường, mức lợi suất này giữ ở mức 1,28%, tăng 2,2 điểm cơ bản so với mức đóng cửa ngày hôm trước là 1,264%.

Những ngày này, tạo áp lực lên giá vàng còn có sự biến động của đồng USD. Kết thúc tuần trước, chỉ số USD đóng cửa ở mức 92,885, tăng 0,06%. Đồng USD đã có biến động khá lớn khi di chuyển từ mức thấp 88,50 vào giữa tháng 5/2021, đến giá trị hiện tại là gần 93. Mức tăng này trong hai tháng qua chắc chắn đã gây áp lực giảm giá vàng, do mối tương quan tiêu cực nội tại giữa đồng USD và giá vàng.

Mặc dù không còn nghi ngờ gì về vấn đề lạm phát tăng mạnh, nhưng hiện cũng không thấy thị trường vàng bị tác động tăng giá như thông lệ. Với CPI hiện ở mức điều chỉnh hàng năm là 5,4% và PCE (chỉ số lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên sử dụng) hiện ở mức 3,4%, phản ứng trầm lắng của vàng giống như đang bị sa vào vũng lầy.

Lời giải thích hợp lý duy nhất là những trở ngại từ các loại tài sản nói ở trên tiếp tục gây áp lực lên giá vàng. Tuần tới cả giới phân tích và các nhà đầu tư tiếp tục dự báo giá kim loại quý có thể giảm mạnh trong tuần tới trước xu hướng đi lên mạnh mẽ của USD và sự hấp dẫn của chứng khoán…

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phân tích bắt đầu nói về "lạm phát đình trệ" như một mối lo ngại gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ. Lạm phát đình trệ là một môi trường của lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Lạm phát đình trệ có thể trở thành rủi ro lớn trong năm nay. Đây là lý do tại sao các thị trường sẽ theo dõi cẩn thận con số tăng trưởng GDP quý II được công bố trong tuần tới. Con số này sẽ là tín hiệu cho thấy xu hướng của giá vàng trong thời gian tới.

Những thông tin có thể tác động đến giá vàng nên được chú ý trong tuần tới

Thứ hai: Công bố dữ liệu thị trường nhà đất Mỹ

Thứ 3: Dữ liệu đơn đặt hàng hóa lâu bền và niềm tin tiêu dùng

Thứ 4: Thông báo lãi suất của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell.

Thứ năm: Dữ liệu GDP quý 2, thất nghiệp và doanh số bán nhà đang chờ xử lý.

Thứ sáu: Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).

"Chìa khóa" cho giá vàng tuần tới sẽ là cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vào tuần tới, khi Fed sẽ công bố chính sách tiền tệ của mình. Những tuyên bố của Chủ tịch Powell vào đầu tháng này trong cuộc điều trần trước Quốc hội cho thấy, "sự gia tăng mạnh của lạm phát trong năm nay sẽ biến mất." Chủ tịch Fed cũng cho rằng, sẽ là một “sai lầm” nếu Fed hành động “quá sớm” để giải quyết tình trạng lạm phát cao mà cuối cùng, đó chỉ là tạm thời.

Những động thái trên của Fed khiến nhiều người tin rằng, cuộc họp FOMC vào tuần tới Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại của mình - "chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp và ôn hòa." Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ thấy giá vàng có thể phản ứng theo hướng tăng giá.