Giá vàng hôm nay 26/8: Giá vàng 'chông chênh' trước vua tiền tệ USD, khẩu vị rủi ro giảm, nhà đầu tư chọn mua vàng?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 26/8 khi tăng khi giảm trong biên độ hẹp, cố chờ các thông tin mới nhất từ Hội nghị chuyên đề kinh tế tại Jackson Hole diễn ta hôm nay. Đà phục hồi của vàng được thúc đẩy bởi đồng USD yếu, khẩu vị rủi ro giảm trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, khi Fed tỏ ro thái độ "diều hâu", kinh tế Mỹ mạnh mẽ, sẽ giữ cho USD là "vua tiền tệ".
Giá vàng hôm nay 26/8: Giá vàng
Giá vàng hôm nay 26/8 khi tăng khi giảm trong biên độ hẹp, cố chờ các thông tin mới nhất từ Hội nghị chuyên đề kinh tế tại Jackson Hole. (Nguồn: Daily FX)

Giá vàng hôm nay 26/8

Giá vàng thế giới tăng nhờ USD giảm và giới đầu tư tập trung vào Hội nghị chuyên đề kinh tế tại Jackson Hole để có thêm thông tin về lạm phát và tín hiệu về điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch ngày 26/8 với mức giá 1.758,2 USD/ounce, hiện giảm nhẹ 0,7 USD so với phiên giao dịch liền trước, ghi nhận của TG&VN trên sàn Kitco. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 giao dịch lần cuối ở 1.771,6 USD/ounce, tăng 0,57% trong ngày.

Giá vàng đang giữ ở mức cao với ít biến động do nền kinh tế Mỹ có vẻ khởi sắc hơn một chút so với dự kiến trong quý thứ hai, ngay cả khi GDP vẫn đang co lại. Đà phục hồi của vàng được thúc đẩy bởi đồng USD yếu, khẩu vị rủi ro giảm trên thị trường tài chính, theo Carsten Menke, chuyên gia phân tích tại Julius Baer.

Chỉ số USDX, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm nhẹ. Đồng USD giảm giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Chuyên gia John LaForge, người đứng đầu chiến lược tài sản thực của Wells Fargo nói rằng, nếu chỉ số USDX không ở mức cao nhất trong 20 năm, vàng sẽ cao hơn khoảng 150 USD so với mức giao dịch hiện tại.

Nền kinh tế Mỹ trong quý 2 đã suy giảm với tốc độ chậm hơn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn có các tiêu chí về suy thoái kỹ thuật do lạm phát hoành hành và lãi suất cao. GDP đã giảm 0,6% trong quý thứ II so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức giảm 0,9% được báo cáo ban đầu. Trước đó, GDP của kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1 - 3 đã giảm 1,6% - mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020. Hoạt động kinh tế trên khắp đất nước ghi nhận tình trạng suy giảm đáng kể và kéo dài hơn một vài tháng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thị trường vàng không chú ý nhiều đến dữ liệu kinh tế mới nhất vì nó đang chứng kiến một số động lực mua vững chắc.

Giá vàng trong nước

Giá vàng SJC chốt phiên 25/8 giảm mạnh trở lại sau khi xuất hiện tín hiệu tăng mới ở phiên trước đó. Trong đó, hệ thống PNJ điều chỉnh giá vàng SJC mạnh nhất, với mức giảm 200.000 - 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra giảm 300.000 - 350.000 đồng/lượng ở cả hai chi nhánh so với giá mở cửa buổi sáng.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn đồng loạt giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý, vàng SJC có cùng mức giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra còn chiều mua vào giảm lần lượt 100.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.

Sự điều chỉnh giá ít nhất diễn ra tại Bảo Tín Minh Châu, đồng thời tăng giảm trái chiều với chiều mua vào tăng 40.000 đồng/lượng và chiều bán ra giảm 30.000 đồng/lượng.

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trên toàn quốc tại thời điểm chốt phiên 25/8:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,05 – 66,87 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,00 – 66,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,10 – 66,85 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,00 – 66,85 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,15 – 66,85 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,03 – 52,78 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,50 – 52,60 triệu đồng/lượng.

Lý do chính khiến USD tiếp tục tăng giá

USD đã tăng trong năm nay lên mức cao nhất trong hai thập kỷ và vẫn còn nhiều nhà đầu cơ giá lên đặt cược rằng đồng bạc xanh để tiếp tục leo lên nhờ Fed diều hâu và tin tức kinh tế sẽ giữ cho nước Mỹ vượt lên trước các nền kinh tế lớn khác.

USD đã tăng khoảng 13,5% trong năm nay so với rổ các đồng tiền khác, với tốc độ tăng trong năm mạnh nhất trong gần 40 năm, trong khi đồng Euro đã bị bóp méo khoảng 12% xuống dưới mức ngang giá, một mức chưa từng có trong hai thập kỷ.

Do Fed đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ trong thời gian qua và những người mua đang tìm kiếm một tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại về cuộc xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề bất ổn toàn cầu khác, đồng USD đã là một lựa chọn chắc chắn cho các nhà đầu tư. Đồng bạc xanh đã tăng so với mọi đồng tiền G10, tăng 19% so với Yen Nhật và 15% so với bảng Anh.

Ông Shahab Jalinoos, Giám đốc Chiến lược FX toàn cầu của Credit Suisse Group AG cho biết: “Chúng tôi đã tăng đầu tư theo cấu trúc của USD trong 15 tháng qua ... nó cảm thấy hơi lâu nhưng chúng tôi không bao giờ tìm ra lý do để thay đổi.

Các nhà phân tích của JPMorgan đã chỉ ra rằng, dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây về lạm phát và bảng lương vẫn "đáng khích lệ", so với "tính dễ bị tổn thương" đang gia tăng ở châu Âu và Trung Quốc, là lý do chính khiến USD tiếp tục tăng giá.

Ugo Lancioni, người đứng đầu bộ phận quản lý tiền tệ tại Neuberger Berman, cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất ở châu Âu hiện là năng lượng ... đang giữ cho USD tăng giá và các đồng tiền châu Âu chịu áp lực”.

Ở phần còn lại của thế giới, USD mạnh có thể giúp một số quốc gia khác xuất khẩu và cán cân thương mại của họ, nhưng nó làm trầm trọng thêm các vấn đề khác: Dầu và các hàng hóa được thanh toán bằng USD có giá cao hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác và điều đó trở nên khó khăn hơn đối với các công ty và các chính phủ để giải quyết các khoản nợ bằng USD.