Giá vàng hôm nay 8/1, Giá vàng nhảy vọt, 'bung lụa' sau thời kỳ bị dồn nén, lạc quan quá sớm? Vàng SJC nới rộng chênh lệch với thế giới

Admin
Giá vàng hôm nay 8/1, giá vàng tăng mạnh trở lại. Dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Mỹ đẩy giá vàng lên cao. Nhà đầu cơ lạc quan nhưng nhà đầu tư ETF vẫn thận trọng. Vàng SJC tăng ấn tượng.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 8/1

Giá vàng thế giới và trong nước tuần qua đồng loạt tăng.

Tại thị trường trong nước, sáng 3/1, mở cửa giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,05 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Sang phiên 4/1, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên hôm trước.

Phiên sáng 5/1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 - 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 4/1.

Cùng xu hướng với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 6/1 đồng loạt giảm. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66 - 66,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Phiên cuối tuần 7/1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 – 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, so với phiên đầu tuần 3/1 ở mức 66,05 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng SJC tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng hôm nay 8/1 abc
Giá vàng hôm nay 8/1, Giá vàng nhảy vọt, bung lụa sau thời kỳ ‘bị dồn nén’, lạc quan quá sớm? Vàng SJC nới rộng chênh lệch với thế giới. (Nguồn: Shutterstock)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới hầu hết đi lên trong tuần giao dịch ngắn ngày đầu tiên của năm mới, giúp kim loại quý có tuần tăng giá thứ ba liên tiếp.

Giá vàng thế giới duy trì quanh mức cao gần 7 tháng đạt được vào phiên 4/1. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên đã khiến giá vàng quay đầu giảm trong phiên 5/1, dứt chuỗi 4 phiên phục hồi liên tiếp và đánh dấu phiên đi xuống duy nhất của mặt hàng kim loại quý này trong tuần qua.

Trong phiên cuối tuần ngày 6/1, giá vàng tăng hơn 1%, chạm mức cao nhất trong 7 tháng. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.867,18 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13/6/2022.

Tính chung cả tuần, giá vàng này đã tăng 2,1%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 2/12/2022. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 1,6% lên 1.869,7 USD/ounce.

Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch (6/1) trên sàn Kitco tại 1.866,7 USD/ounce.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 7/1:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,45 – 67,25 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,2 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,4 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,3 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,42 – 67,18 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,61 – 54,46 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,3 – 54,3 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 7/1, 1 USD = 23.630 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 14,11 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng mạnh trở lại

Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất từ Mỹ đã đẩy giá vàng thế giới trở lại mức cao nhất trong 7 tháng sau khi nền kinh tế và việc làm của nước này có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thị trường vàng có thời điểm chỉ cách 25 USD nữa là chạm tới mốc quan trọng 1.900 USD/ounce vào thứ Sáu, với giá vàng Comex tháng 2 ở mức 1.873,40 USD/ounce, tăng 2,4% trong tuần.

Tuần qua, dữ liệu báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại một cách khiêm tốn trong tháng 12/2022, với 223.000 việc làm mới được tạo ra, so với con số 256.000 của tháng 11/2022.

Một trong những động lực tích cực đối với vàng là áp lực tiền lương đang giảm, đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Thu nhập hằng giờ trung bình hằng năm đã tăng 4,6% trong tháng trước. Con số này thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 5% và theo sau mức tăng được điều chỉnh giảm của tháng 11 là 4,8%.

"Nhìn chung báo cáo cho thấy nền kinh tế đang dần điều chỉnh với lạm phát giảm và thị trường lao động vẫn mạnh. Đơn giản là không có gì suy thoái trong báo cáo này”, Nicky Shiels, người đứng đầu bộ phận kim loại chiến lược của MKS PAMP cho biết.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã thu hẹp trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2022 với Chỉ số người quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) rớt xuống 48,4 từ mức 49% trong tháng 11. Kết quả này thấp hơn một chút so với mức kỳ vọng của thị trường là 48,5.

Nhà kinh tế cấp cao Andrew Grantham của CIBC Capital Markets cho biết: "Mặc dù theo dõi gần đây cho thấy rằng tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 tốt hơn nhiều so với dự kiến, nhưng sự sụt giảm trên sẽ làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế đang mất đà nhanh chóng và có thể bắt đầu năm 2023 trên một nền tảng yếu ớt".

Vàng đã tăng mạnh sau cả hai đợt công bố dữ liệu, đạt mức cao hằng ngày là 1.875,20 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng Sáu.

Nhà phân tích Shiels cho biết: “Vàng đã tăng cao hơn rất nhiều. Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh và các đơn đặt hàng, nếu kéo dài, sẽ tạo ra mối lo ngại về triển vọng nhu cầu".

Shiels nói thêm rằng, những gì vàng làm tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu kim loại quý này có thể duy trì đà tăng hay không.

Bà cho biết: “Tùy thuộc vào việc vàng có thể giữ mức tăng hằng tuần hay không (điều này ngày càng có khả năng xảy ra), kim loại quý này sẽ củng cố cách thức giao dịch khó khăn mà nó đã trải qua kể từ khi thiết lập xu hướng tăng nhẹ kể từ đầu tháng 11/2022.

Có một lượng kha khá nhu cầu 'bị dồn nén' tăng giá đã được triển khai từ năm ngoái và có thể được kích hoạt sẽ nói lên nhiều điều hơn nữa".

Trước đó, vàng bắt đầu có dấu hiệu của một mô hình tăng giá vào quý IV/2022 do kỳ vọng Fed sẽ xoay trục.

Giám đốc điều hành Forex toàn cầu Marc Chandler của Bannockburn nói: “Mục tiêu tiếp theo mà vàng cần vượt qua là khoảng 1.896,50 USD/ounce”.

Theo ông: “Miễn là kim loại quý giữ trên mốc 1.825-1.830 USD/ounce, xu hướng tăng giá có vẻ được ưa chuộng”.

Sau dữ liệu của ngày thứ Sáu, các thị trường bắt đầu định giá 74,2% khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tháng Hai.

Nhà phân tích Barbara Lambrecht của Commerzbank cho biết, vàng đã được dự đoán và định giá trong việc giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed, nhưng các nhà đầu tư quỹ ETF vẫn cần một số thuyết phục trước khi đợt phục hồi có thể thực sự bắt đầu.

“Sự đi lên của vàng có lẽ chủ yếu là do sự lạc quan hơn của các nhà đầu tư tài chính, những người thường hay thay đổi. Tuy nhiên, bất kỳ sự phục hồi giá lâu dài nào trên thị trường vàng sẽ đòi hỏi, trên hết, là sự thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư ETF, những người vẫn đang thận trọng.

Họ dường như đang chờ chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ kết thúc. Trong ngắn hạn, chúng tôi dự tính, nếu có, là rủi ro thất bại trên thị trường vàng”, chuyên gia Lambrecht nhận định.

Dữ liệu cần theo dõi

Lạm phát là một trong những báo cáo quan trọng mà vàng sẽ rất cần chú ý trong tuần tới, đặc biệt là sau biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn để chống lại áp lực giá cả.

Các nhà phân tích đang dự kiến lạm phát hằng năm sẽ giảm xuống 6,5% trong tháng 12/2022 so với mức 7,1% của tháng 11.