Giảm lãi suất điều hành lần thứ 4: Liều “thuốc bổ” đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng

Admin
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành được tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận và tin tưởng tiếp tục được giảm thêm chi phí vốn.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn với chi phí thấp

Một trong những quyết sách đáng chú ý trong tuần qua, đó là NHNN quyết định giảm các mức lãi suất điều hành từ mức 0,25%-0,5%/năm. Cụ thể, theo các Quyết định của NHNN, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu cũng giảm 0,5%/năm chỉ còn 3%/năm. Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ giảm nhẹ 0,25%/năm từ mức 5,0%/năm xuống còn 4,75%/năm. Tương tự, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%. Các mức lãi suất trên có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Đây là lần thứ 4 kể từ đầu năm tới nay, NHNN giảm lãi suất điều hành, được kỳ vọng sẽ kích thích khả năng hấp thụ vốn đang yếu của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, tốc độ giảm lãi suất điều hành của NHNN rất phù hợp, thể hiện sự chủ động kịp thời bám sát diễn biến thị trường, nền kinh tế. Khi nhận thấy các điều kiện cả bên trong lẫn bên ngoài cho phép như áp lực lãi suất, lạm phát giảm; thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn, NHNN đã quyết định chuyển sang tăng “trọng số” hỗ trợ doanh nghiệp cao hơn thông qua việc quyết định tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành, từ đó kéo giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

giam-lai-suat-dieu-hanh-lan-thu-4-lieu-thuoc-bo-day-nhanh-qua-trinh-phuc-hoi-tang-truong-1687144077.jpg

TS. Nguyễn Hữu Huân - trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN sẽ là “liều thuốc bổ” cho nền kinh tế, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với mức lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu. Điều này thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ.

Việc NHNN giảm lãi suất điều hành được tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận và tin tưởng tiếp tục được giảm thêm chi phí vốn. Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ cho biết, đây là chủ trương hết sức thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp giúp ổn định hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp mong muốn NHNN theo dõi sát động thái từ các ngân hàng để việc giảm lãi suất điều hành sớm thẩm thấu tới doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta nhận thấy, việc giảm lãi suất điều hành liên tiếp chắc chắn sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống, từ đó chi phí vốn vay của doanh nghiệp sẽ được giảm. “Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng của chúng tôi là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. Đây có thể thấy là một tác động “kép” tới nền kinh tế, là một quyết định rất đúng đắn”, ông Nghĩa chia sẻ.

Điểm đáng chú ý trong lần giảm này là trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng, NHNN chỉ điều chỉnh giảm 0,25%/năm. Theo TS. Thành, việc NHNN quyết định giảm nhẹ lãi suất huy động đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa đồng nội tệ với ngoại tệ để ngân hàng vẫn giữ chân khách hàng gửi tiền. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như phát hành TPDN… vẫn còn khó khăn, thì vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng. Trước tình hình thế giới còn nhiều bất định, sức khoẻ các ngân hàng vẫn chưa đồng đều, cần thiết phải giữ lãi suất huy động ở mức phù hợp để đảm bảo nguồn tiền gửi, thanh khoản ổn định.

Để chính sách phát huy hiệu quả

Từ đầu năm 2023 đến nay, các mức lãi suất điều hành có tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm sau 4 lần điều chỉnh. Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới. Qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Đánh giá cao động thái giảm lãi suất hết sức chủ động, linh hoạt của NHNN, song các chuyên gia cho rằng, để chính sách giảm lãi suất phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, địa phương và cả giới báo chí trong việc truyền thông chính sách cũng như cảnh báo các rủi ro, bởi mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm, nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát vì lạm phát cơ bản hiện vẫn khá cao, bình quân 5 tháng đầu năm 2023 là 4,83%, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, neo giữ lãi suất ở mức cao.

Trong bối cảnh đó, việc giảm lãi suất điều hành liên tục cũng tiềm ẩn một số rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như đảo chiều dòng vốn. Theo TS. Huân, trong một nền kinh tế, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá phải như “hai cánh kéo” và cùng kéo mới tạo ra hiệu ứng “cất cánh”. Do vậy, điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt theo các chuyên gia, công tác truyền thông cần phải hết sức khách quan, tránh tạo thêm áp lực lên chính sách. Bởi bên cạnh rủi ro lạm phát như đã nói ở trên, “nút thắt” tín dụng thời gian qua không nằm ở vấn đề lãi suất mà chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời điểm này, vấn đề quan trọng hơn đối với doanh nghiệp là đầu ra, đơn hàng. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế hồi phục cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp khác, như đa dạng hoá thị trường, đối tác, đơn hàng. Các giải pháp kích cầu như giảm thuế VAT, giãn thuế, kích cầu du lịch… cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Có thể thấy, ngành Ngân hàng đang tìm mọi giải pháp có thể để hỗ trợ doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp cũng cảm nhận rõ điều này. Ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ, thời gian qua, ngành Ngân hàng có rất nhiều động thái tích cực, tiết giảm chi phí, cắt những khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng tận dụng cơ hội này, khi lãi suất giảm để tìm những thị trường, bạn hàng mới, tiềm năng vượt qua khó khăn.