Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sắp “rót” vào bất động sản có gì?

Admin
Mỗi ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với 2 phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2%.
goi-tin-dung-1678100709.jpg

Chiều 3/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó có gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Trả lời nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vấn đề pháp lý, mất cân đối cung cầu, khó khăn về vốn, trong đó có nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.

"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng đến 2 phân khúc nhà ở này", ông Hà thông tin.

Theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và thống nhất đồng ý dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mỗi ngân hàng khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng trên. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại khác tham gia thì quy mô gói tín dụng này có thể tăng thêm.

Bất động sản - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sắp “rót” vào bất động sản có gì?

Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chủ trì (Ảnh: VGP).

Liên quan đến lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, các ngân hàng dự kiến lãi suất cho vay gói này thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng.

Sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bổ sung câu trả lời cho Phó Thống đốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng nhấn mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chủ yếu tập trung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, tổ chức kinh tế.

"Ngoài lãi suất giảm, khi triển khai dự án cũng được Nhà nước miễn tiền thuê đất và nhiều chính sách khác với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới", ông Sơn nói.

Trước đó, để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).

Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, tại hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Do đó, Bộ Xây dựng cho biết đơn vị đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước tạm dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và ưu tiên triển khai gói 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố.