Đó là khẳng định của ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội - Cơ quan thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội khi chia sẻ với báo chí.
Theo ông Đặng Thanh Phong: "Hiện nay Thành phố có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế Hà Nội quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Thời gian qua, các lực lượng chức năng thành phố đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể".
"Hà Nội cam kết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không an toàn thực phẩm, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có biện pháp khắc phục nếu muốn tiếp tục hoạt động. Hà Nội cũng sẽ công khai thông tin về các cơ sở không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông, để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn".
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã phát động Kế hoạch 344/KH-UBND thực thi Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kế hoạch hướng đến việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm; phát hiện sớm nhằm hạn chế tối đa hậu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng và đẩy mạnh nhận thức về an toàn thực phẩm.
Theo đó, TP, Hà Nội yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Các đội điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm sẽ được kiện toàn để xử lý kịp thời mọi sự cố về an toàn thực phẩm.
Hà Nội cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, nguồn nhân lực, để tăng cường năng lực xử lý sự cố; triển khai các chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm; tổ chức hội nghị, hội thảo và các chương trình sân khấu hóa tại bếp ăn tập thể trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú ý đến các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao.
Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh: "Trong trường hợp xảy ra ngộ độc, UBND cấp huyện, cấp xã phải chỉ đạo xử lý toàn diện, từ cấp cứu, điều trị đến khắc phục môi trường và điều tra nguyên nhân. Các đơn vị y tế tại địa phương phối hợp cơ quan pháp y, công an và các ngành liên quan để xử lý nghiêm minh, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự. Cơ quan Công an TP. Hà Nội được chỉ đạo tham gia tích cực trong đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các hành vi nhập lậu, tàng trữ, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng sẽ bị xử lý đúng quy định".
Nguyễn Kiên (t/h)