Hai nhà máy điện của PVN gặp khó

Kinh tế và Đời sống
Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER), đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình về đích.

Nhiên liệu phục vụ Nhà máy đã sẵn sàng

Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sẽ chạy bằng nguyên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là loại nguyên liệu mà Việt Nam chưa thể tự sản xuất. Do đó, để có nguồn cung LNG cho hai Nhà máy này, PVN đã giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) xây dựng kho chứa LNG Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án kho chứa LNG với tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng đã được PV GAS thực hiện xong vào cuối năm ngoái, đồng thời PV GAS đã nhập những chuyến LNG đầu tiên về kho chứa này. Ngoài ra, hệ thống ống dẫn khí LNG từ kho Thị Vải dẫn đến hai Nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (tại Đồng Nai) cũng đã được đồng bộ.

Như vậy, các phần việc liên quan đến cung cấp nhiên liệu cho hai Nhà máy nhiệt điện này đã sẵn sàng, chỉ chờ các nhà máy xây dựng xong là có thể thực hiện chạy thương mại cho phát điện. Do đó, hiện nay, tiến độ hai Nhà máy này đang được ngành Dầu khí dồn sức quan tâm, đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Đào Duy Giang - Phó Tổng Giám đốc PV POWER, cả hai Nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đều đã thi công được khoảng hơn 80%. Rất nhiều máy móc quan trọng đã được chủ đầu tư nhập từ nước ngoài về công trường dự án. Hiện các nhà thầu đang nỗ lực tiếp tục thi công, xây lắp, để sẵn sàng chạy thử. Theo kế hoạch, Nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ tiến hành phát điện thương mại vào tháng 11/2024, còn Nhơn Trạch 4 phát điện thương mại vào tháng 5/2025.

Mặc dù tiến độ của hai dự án là khả quan, tuy nhiên, hiện nay hai dự án nhiệt điện này lại đang gặp phải những khó khăn riêng. Cụ thể, theo Ban Quản lý dự án điện PV POWER, hợp đồng mua bán điện (PPA) và hợp đồng mua bán khí (GSA) chưa được thống nhất. Theo đó, PV Power và Công ty mua bán điện (EVNEPTC) đã thống nhất các nội dung và ký tắt dự thảo Hợp đồng Mua bán điện, trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, EVN hiện có một số ý kiến về giá cố định, giá biến đổi, sản lượng hợp đồng và một số điều khoản khác nên Hợp đồng PPA vẫn chưa được ký kết. Điều này dẫn đến Hợp đồng GSA chưa thể được ký kết và không có cơ sở thống nhất khối lượng khí LNG mua hàng năm, thời hạn xác nhận kế hoạch giao nhận khí.

Nhiều vướng mắc khác

Một khó khăn khác của dự án Nhơn Trạch 3 và 4 liên quan đến công tác đấu nối với lưới điện quốc gia. Cụ thể, tiến độ thi công dự án đường dây đấu nối vào Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục giải phóng mặt bằng, từ đó dẫn đến nguy cơ sau khi hai Nhà máy xây dựng xong, có điện thương mại nhưng lại thiếu đường dây đấu nối với lưới điện quốc gia.

Vướng mắc này thời gian qua đã được chính quyền địa phương, bên truyền tải điện phối hợp cùng chủ đầu tư nỗ lực giải quyết. Nhưng đến nay khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.

Trước nguy cơ chậm tiến độ của đường dây truyền tải, PV Power và các bên đã thống nhất kiến nghị phương án cho đấu nối tạm vào hệ thống tải điện của Nhà máy Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 hiện hữu để thử nghiệm và giải tỏa công suất. Hiện phương án đấu nối tạm thời này đã hoàn tất thi công, chỉ chờ hoàn tất các thủ tục liên quan.

Một khó khăn khác của hai dự án Nhà máy nhiệt điện này còn là sự chưa thống nhất giữa Ban Quản lý dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 và đơn vị cho thuê đất là Tập đoàn Tín Nghĩa. Khúc mắc bắt nguồn từ việc Tín Nghĩa đề xuất áp dụng đơn giá phí sử dụng hạ tầng khoảng 100 USD/m2 theo phương thức trả tiền một lần cho suốt vòng đời dự án gồm 4 năm xây dựng và 25 năm vận hành. Trong khi đó, phía PV Power lại cho rằng, mức phí trên chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đến nay, hạng mục kênh xả nước làm mát của dự án vẫn chưa được triển khai.

Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam và thực hiện cam kết phát thải về 0 vào năm 2050. Dự án cung cấp cho lưới điện khoảng 9 tỷ kWh/năm.