Hiệu quả từ việc chính quyền và người dân đồng lòng phòng chống dịch    

Kỳ Văn
Góp phần vào sự vững mạnh, thành công của những “pháo đài” phường, xã trong công tác phòng chống dịch chính là những tổ dân phố, những xóm ấp với những việc làm sáng tạo, kiên trì và cả những “chiến sĩ” nhân dân thầm lặng, giàu lòng thiện nguyện.

Thời gian gần đây, trong các văn bản chỉ đạo cũng như trong các cuộc họp về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh phương châm lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ” phòng chống dịch.

1-1630661871.jpg
Vợ chồng anh Tùng, chị Thơm đã vận động được Công ty TNHH Nhung Phong tài trợ nhiều tấn thịt heo và rau củ quả

Phương châm này được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thực tế tại nhiều địa phương, việc phòng chống dịch theo phương châm này đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Điển hình như tại “pháo đài” phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM, vào thời điểm đầu dịch, nơi đây cũng từng là “điểm nóng” khi có tới 170 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Sau khi các ca nhiễm được đưa đi cách ly điều trị, khoảng gần 2 tháng nay, khu vực này đã duy trì được “vùng xanh”, người dân được chăm lo đầy đủ lương thực thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch phường Tân Chánh Hiệp, có được kết quả này là nhờ mô hình “xóm tự cách ly” bảo vệ “vùng xanh” từ các tổ dân phố. Ban đầu, mô hình “xóm tự cách ly” xuất phát từ tổ dân phố 9, khu phố 8. Sau đó Đảng uỷ, UBND phường Tân Chánh Hiệp thấy mô hình hay nên phát động thành phong trào chung trong toàn phường.

2-1630661911.jpg
Không chỉ giúp đỡ được các hoàn cảnh khó khăn tại phường Tân Chánh Hiệp, vợ chồng anh Tùng còn chia các phần thực phẩm cho nhiều địa phương khác

Việc bảo vệ “vùng xanh” không chỉ là duy trì không để phát sinh ca lây nhiễm mới trong cộng đồng mà việc chăm lo đời sống cho người dân cũng là việc hết sức quan trọng để người dân yên tâm “ai ở đâu ở đó”.

Cụ thể, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những “chiến sĩ” nhân dân tại phường Tân Chánh Hiệp đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Ban đầu, một số người dân có điều kiện phường đã quyên góp tiền để mua lương thực thực phẩm hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn và những người ở trọ. Sau đó những người này đã vận động người thân quen ở các địa phương khác cùng chung tay hỗ trợ.

3-1630661934.jpg
Nhiều tấn rau củ quả đã được vợ chồng anh Tùng trao tới tay những người khó khăn trong đại dịch

Điển hình như vợ chồng anh Lê Thanh Tùng, vợ là Đào Thị Thơm (trú tại tổ dân phố 9, khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp) từ đầu dịch tới nay đã vận động quyên góp được hàng trăm tấn lương thực thực phẩm trị giá nhiều tỉ đồng chia tặng cho các hoàn cảnh khó khăn.

Ngay trong ngày lễ 2/9/2021 vợ chồng anh Tùng, chị Thơm đã vận động được Công ty TNHH Nhung Phong và lãnh đạo UBND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước hỗ trợ hơn 30 con heo thịt và hơn 17 tấn rau củ quả. Số thực phẩm này không chỉ hỗ trợ được người dân tại phường Tân Chánh Hiệp mà còn phân phát được cho 7 phường khác tại quận 12, chia được cho cả bếp ăn từ thiện tại quận 9 và đội thiện nguyện tại tỉnh Bình Dương.

4-1630661961.jpg
Xe chở rau củ quả từ Bình Phước tới hỗ trợ quận 12 chống dịch Covid-19

Ngoài ra, tại phường Tân Chánh Hiệp còn có một số “chiến sĩ” nhân dân khác, từ đầu dịch tới nay đã liên hệ khắp các mối quan hệ thân quen và xin được hàng trăm phần quà tặng cho các hoàn cảnh khó khăn giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vậy nhưng khi được hỏi, những “chiến sĩ” này chỉ khiêm tốn nhận mình là những “trạm trung chuyển” của những tấm lòng thiện nguyện và nhiệm vụ của họ là “cánh tay nối dài” giúp đưa những phần quà tới tận tay những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.

Có thể nói, góp phần vào sự vững mạnh, thành công của những “pháo đài” phường, xã trong công tác phòng chống dịch chính là những tổ dân phố, những xóm ấp với những việc làm sáng tạo, không ngại gian khổ và cả những “chiến sĩ” nhân dân thầm lặng và giàu lòng thiện nguyện.

Mạnh Đức (t/h)