Hướng đến doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ điện toán đám mây

Admin
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phải hướng đến doanh nghiệp trong nước từng bước làm chủ công nghệ điện toán đám mây. Thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm nhu cầu phát triển chung. Quan trọng là phải độc lập tự chủ trong quản lý an toàn thông tin và dữ liệu.

Ngày 31/5, tại Hà Nội, đã diễn raHội nghị cấp cao chính sách tài chính “Dịch vụ tài chính và điện toán đám mây” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành lĩnh vực dịch vụ tài chính và điện toán đám mây trong và ngoài nước, hội nghị đã tập trung bàn thảo về các giải pháp điện toán đám mây (thông qua dịch chuyển lên đám mây hoặc các ứng dụng đám mây gốc) trong khi vẫn bảo đảm giải quyết thỏa đáng các rủi ro, kể cả ở cấp độ hệ thống.

Một số thực tiễn tốt nhất về mặt chính sách và góc nhìn từ chuyên gia châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và điện toán đám mây cũng đã được chia sẻ tại hội nghị.

Theo đó, các tổ chức dịch vụ tài chính hàng đầu đang sử dụng điện toán đám mây để vừa giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng theo cách thức mới, vừa tạo ra những trải nghiệm mới mà khách hàng yêu thích.

Điều này tiềm ẩn không ít thách thức, rủi ro về độ an toàn bảo mật. Bởi vậy, yêu cầu bảo mật và khả năng chống chịu của điện toán đám mây cũng như những cách thức mà các định chế tài chính phải chuẩn bị để đối phó rủi ro đã và đang được đặt ra ngày càng cao hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng phát triển điện toán đám mây là nhu cầu tất yếu để Việt Nam có thể thúc đẩy và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia.

“Đây là vấn đề cốt lõi cần ưu tiên tập trung thực hiện nhằm xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển công nghệ số, trong đó có điện toán đám mây. Từ đó, có chính sách cụ thể, đột phá cho phát triển điện toán đám mây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như cho toàn nền kinh tế”, ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu đột phá, sáng tạo nhưng phải an toàn trong thúc đẩy dịch vụ tài chính và điện toán đám mây. Ảnh: Hà Anh.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận, các ý kiến tại hội nghị đã tập trung vào cách tiếp cận xây dựng chính sách thúc đẩy dịch vụ tài chính và điện toán đám mây tại Việt Nam, dựa theo kinh nghiệm quốc tế.

Tại Việt Nam, vấn đề điện toán đám mây liên quan đến rất nhiều luật, như: Luật An ninh mạng (2018), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Giao dịch điện tử (dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sắp được Quốc hội thông qua), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Bởi vậy, chính sách thúc đẩy dịch vụ tài chính và điện toán đám mây tại Việt Nam cần được xây dựng làm sao để bảo đảm phát triển dựa trên tự do và cân bằng. Đó là cân bằng được cả mặt quản lý rủi ro, đồng thời, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo trong việc ứng dụng các định chế.

Riêng về ngành ngân hàng, theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thông tư 09/2020/TT -NHNN (ngày 21/10/2020) quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng đã lồng ghép quy định các dữ liệu quan trọng và các dữ liệu cấp độ thấp hơn đều có thể xem xét đưa lên hệ thống môi trường số, điện toán đám mây mà vẫn bảo đảm bí mật an toàn.

Tuy nhiên, Thông tư 09/2020/TT - NHNN chưa quy định rõ trách nhiệm ràng buộc bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ hạ tầng liên quan đến dịch vụ đám mây) nên rất khó triển khai.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề xuất chỉnh sửa một số điều khoản của thông tư này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của quá trình chuyển đổi số, kinh tế số của Việt Nam.

Thông qua hội thảo, từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan, hoạt động sửa đổi luật liên quan đến dịch vụ tài chính và điện toán đám mây phải có quyết định đột phá đổi mới sáng tạo, dần dần hội nhập vào khuôn khổ pháp lý trong chuyển đổi số khu vực và quốc tế.

Thị trường dịch vụ tài chính và điện toán đám mây có tiềm năng rất lớn.

“Bản thân lãnh đạo ngân hàng phải có lý trí, bản lĩnh mới thực hiện được quá trình đổi mới, sáng tạo này. Nếu e dè, e ngại thì khó có thể chuyển đổi số thành công. Các ngân hàng lớn của Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số thành công đều cho thấy việc bảo mật vẫn tốt. Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khi chuyển đổi số. Việc này nhiều bộ, ngành đang làm rất chậm”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng không cho phép thực hiện sai khi thử nghiệm vì đây là ngành tác động lớn tới tất cả các lĩnh vực. Phải có cách tiếp cận kiểm soát được rủi ro của toàn hệ thống, bảo đảm an toàn hệ thống.

Kinh nghiệm hay của các chuyên gia Thái Lan, Amazon chia sẻ tại hội nghị là bài học tốt cho ban và bộ, ngành của Việt Nam thúc đẩy các giải pháp điện toán đám mây.

Tại Việt Nam hiện nay, Nhà nước có vai trò quan trọng dẫn dắt hệ sinh thái phát triển điện toán đám mây. Đồng thời, cũng cần khuyến khích khu vực tư nhân trong phát triển lĩnh vực này vì tiềm năng của thị trường dịch vụ tài chính và điện toán đám mây rất lớn.

“Chúng ta có thể đạt con số nhiều tỷ USD trong lĩnh vực điện toán đám mây nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 20%.

Câu chuyện đặt ra là Việt Nam phải hướng đến doanh nghiệp trong nước từng bước làm chủ công nghệ điện toán đám mây. Bên cạnh đó, cần thu hút đầu tư nước ngoài mới bảo đảm nhu cầu phát triển chung. Điều quan trọng là phải bảo đảm sự độc lập tự chủ trong quản lý an toàn thông tin và dữ liệu”, ông Hiển nói.