Liên kết thị trường trong nước là chìa khóa để tiêu thụ hàng hóa trong đại dịch

Kỳ Văn
Phát biểu tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam” ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng hóa Việt và vai trò quan trọng của thị trường trong nước.
Hội nghị “Giữ vững mối liên kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; được kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội nghị đã diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề “Kinh nghiệm liên kết, giữ vững chuỗi sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới” và “Những giải pháp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước góp phần tính tự chủ của nền kinh tế và phục hồi kinh tế”.

Hội nghị “Giữ vững mối liên kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam”.

Các ý kiến từ đại biểu các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp phát triển thị trường trong nước lồng ghép với Cuộc vận động của ngành Công Thương đã mang lại hiệu quả tích cực trong tình hình mới, không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn, kiểm soát được giá cả trên thị trường.
Những giải pháp này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng hóa Việt Nam và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại Hội nghị.

Chia sẻ về vai trò của chuỗi liên kết, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Từ xưa đến ngày nay, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một kinh tế của một quốc gia, đảm bảo hài hòa lợi ích, tận dụng nguồn lực của các chủ thể tham gia.
Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng: Góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi; làm tăng hiệu quả trong sản xuất - lưu thông - kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.
Ở khía cạnh khác, các ý kiến cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.
“Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam”, bà Nga nói.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước tại địa phương để tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.