Long An phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chỉ thị về “Phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trên cơ sở đánh giá việc kết hợp giữa đông y và tây y đạt hiệu quả chưa cao, công tác hiện đại hóa y học cổ truyền còn chậm; công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu bệnh nhân;…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong đó, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và xác định trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về lĩnh vực y học cổ truyền và Hội Đông y trong giai đoạn mới, góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng y học dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực ngành Y tế trong đó có lương y, lương dược nhằm bố trí đủ nhân lực từ cấp tỉnh đến cơ sở và xây dựng, củng cố đội ngũ kế thừa.

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; tăng cường kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa) và địa bàn các huyện, xã có đủ điều kiện trên toàn tỉnh.

Quan tâm công tác xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu, phát triển, bảo tồn dược liệu, nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý dược liệu, kiểm soát chất lượng dược liệu, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền y học cổ truyền của tỉnh; xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của nền y học cổ truyền tỉnh.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản xuất thuốc, phát triển nuôi trồng dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, lưu ý kiện toàn, phát triển tổ chức Hội Đông y các cấp thật sự là lực lượng nòng cốt, vững mạnh, tập hợp trí tuệ và tâm huyết về công tác y học cổ truyền, nhất là việc thành lập hội cấp cơ sở. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để các cấp hội hoạt động thuận lợi; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thu hút nguồn nhân lực lĩnh vực y học cổ truyền.

Xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nền y học cổ truyền và Hội Đông y các cấp, góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng y học dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Phát huy vai trò chủ động, tích cực, nòng cốt của Hội Đông y và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về y học cổ truyền Việt Nam, những bài thuốc hay, phương pháp chữa trị hiệu quả để nhân dân biết, sử dụng.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam.

Thuận Yến (t/h)