Trước đây, việc mời chào người chơi tham gia giao dịch Forex là chủ yếu thì 1-2 năm gần đây kênh đầu tư "thời thượng" mới được mời chào chủ yếu là CFD. Mặc dù bản chất CFD có thể dựa trên nhiều loại tài sản khác nhau nhưng để hấp dẫn và dễ hiểu hơn cả, các môi giới thường chào mời CFD tiền tệ, tức là gần giống với Forex.
BẢN CHẤT CÔNG CỤ ĐẶT CƯỢC VỚI NHÀ CÁI
So với Forex hay các công cụ đầu tư khác, CFD - Contract For Difference (Hợp đồng chênh lệch giá) – là một sản phẩm rất mới, được phát minh ra từ đầu những năm 1990 tại Anh. Đây là một công cụ phái sinh mà bản chất là sự đặt cược vào việc tăng giảm đối với một loại giá hàng hóa nào đó. Chỉ cần có giá là CFD có thể được tạo lập. Vì thế có hàng ngàn loại CFD khác nhau, từ giá cổ phiếu tới giá dầu, giá ngô, kim loại, vàng hay bất kỳ thứ gì khác có thể được giao dịch.
Tuy vậy ban đầu CFD chỉ được dùng rất giới hạn đối với một số tổ chức đầu tư nhằm mục đích phòng vệ cho danh mục cổ phiếu trên sàn chứng khoán London. CFD ban đầu được thiết kế phù hợp với nhu cầu phòng vệ, như chỉ yêu cầu một mức đặt cọc nhỏ (margin lớn), cũng không thanh toán bằng chuyển giao vật chất mà thanh toán bằng tiền mặt trên cơ sở chênh lệch giá. Phải đến cuối những năm 1990 CFD mới bắt đầu được giới thiệu cho các nhà đầu tư cá nhân. Đến khi một số công ty môi giới tại Anh xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến thì CFD mới bắt đầu trở nên phổ biến và dễ giao dịch. Tới năm 2002, CFD được "xuất khẩu" ra khắp thế giới.
Là một công cụ phái sinh mà bản chất là đặt cược, nhà đầu tư không thực sự sở hữu bất kỳ thứ gì khi giao dịch CFD, dù là CFD với dầu thô, ngoại tệ, hay cổ phiếu. Điều này giống như việc bạn đặt cược trong một cuộc đua chó, cái bạn đặt cược là kết quả cuộc đua chứ không phải con chó. Từ bản chất là đặt cược vào một kết quả khác (thường là giá các tài sản được giao dịch trên thị trường), bất kỳ ai cũng có thể tham gia và việc thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt từ sự chênh lệch ở điểm giá mua và điểm giá bán của hợp đồng CFD.
Tuy nhiên khác với các công cụ đầu tư khác, CFD là công cụ để khách hàng đặt cược với tổ chức phát hành, hay nôm na là nhà cái đưa ra loại CFD đó. Ở khía cạnh này, CFD không giống với các sản phẩm Futures vốn được giao dịch trên các thị trường tập trung và mẫu hợp đồng được chuẩn hóa. Các tổ chức phát hành có thể đưa ra các mẫu CFD khác nhau, với các điều kiện khác nhau bất lợi cho nhà đầu tư.
Đây là điều ít khi được các môi giới CFD nói tới mà chủ yếu tập trung vào khía cạnh tài sản cơ sở - tức là biến động của giá các cặp ngoại tệ/hàng hóa. Nhà đầu tư tưởng rằng mình đang được giao dịch với các cặp ngoại tệ/hàng hóa đó, thực ra là không. Khách hàng chỉ đang đặt cược với nhà cái rằng cặp ngoại tệ đó sẽ tăng hay giảm giá mà thôi. Nếu khách hàng đúng (bán thời điểm giá cao hơn giá mua ban đầu) thì tổ chức phát hành sẽ trả tiền chênh lệch. Ngược lại, khách hàng sẽ phải trả tiền cho tổ chức phát hành.
NHIỀU RỦI RO
Từ chỗ được thiết kế dành riêng cho các tổ chức/nhà đầu tư chuyên nghiệp như một công cụ phòng vệ, CFD đang mở rộng ra để trở thành một công cụ thỏa mãn nhu cầu đầu cơ, thậm chí là "đánh bạc" của các cá nhân bình thường.
Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia không chấp nhận CFD khi công cụ này chỉ được giao dịch phi chính thức trên thị trường OTC. Mỹ cấm giao dịch CFD với các nhà đầu tư cá nhân. Năm 2016 Cơ quan quản lý chứng khoán châu Âu (European Securities and Markets Authority) đã phát đi cảnh báo rủi ro về CFD đối với các nhà đầu tư cá nhân. Năm 2014 Ủy ban chứng khoán và đầu tư Australia đã cố gắng đưa CFD lên sàn giao dịch chính thức nhưng không thành công.
Đối với thị trường Mỹ, SEC (Securities and Exchange Commission) cấm các công dân Mỹ giao dịch sản phẩm này, chỉ cho phép các tổ chức giao dịch. Mặc dù vậy các sàn giao dịch khác ở Mỹ được phép cung cấp các sản phẩm CFD đến các nước khác trên thế giới.
Tất cả các nước Châu Âu đều có các quy luật chặt chẽ về sản phẩm này, đa phần yêu cầu các sàn giao dịch phải cảnh báo nhà đầu tư rằng việc giao dịch có thể thua lỗ lớn. Việc có khung quy định giúp nhà đầu tư có thể khiếu nại các sàn khi có tranh chấp.
Ở Việt nam chưa có quy định về CFD cũng như chưa có công ty nào chính thức ở Việt Nam được cấp phép. Tuy nhiên, người Việt Nam thường hay chơi chui qua các sàn nước ngoài. Việc chơi chui qua các sàn nước ngoài sẽ dẫn đến nhà đầu tư không được bảo vệ khi giao dịch. Ví dụ, chủ sàn có thể dừng thanh toán với người nhà đầu tư, giam tiền của nhà đầu tư, tác động vào lệnh, bảng giá khiến nhà đầu tư mất tiền. Những việc này làm việc giao dịch CFD tăng thêm phần rủi ro và gây thua lỗ lớn.
Một trong những rủi ro mà rất ít nhà đầu tư cá nhân nắm được khi tham gia giao dịch CFD là rủi ro thanh toán. Do CFD là đặt cược giữa khách hàng và tổ chức phát hành và thanh toán bù trừ trực tiếp giữa hai bên chứ không có Hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm, nên năng lực tài chính của tổ chức phát hành là yếu tố quyết định. Điều này giống như việc bạn mua sổ số, khả năng đảm bảo thanh toán rất an toàn, trong khi đánh bạc qua hình thức số đề, khả năng chi trả của nhà cái là yếu tố quyết định. Nếu rủi ro thanh toán xảy ra, khách hàng buộc phải gánh chịu.
CFD cũng là sản phẩm phái sinh không chính thức nên giao dịch CFD là cam kết tự nguyện cá nhân. Các tổ chức phát hành CFD không nhất thiết phải có một mẫu hợp đồng chung. Giao dịch CFD không có phí môi giới nên phần thu chính là chêch lệch giá mua bán (spread). Khách hàng không bao giờ có thể bán với giá chính xác của tài sản cơ sở (giá hàng hóa) mà luôn phải bán thấp hơn một mức nhất định (do nhà cái đặt ra). Ngược lại, khi mua khách hàng cũng phải mua cao hơn ở một biên độ nhất định. Spread càng rộng thì rủi ro cho khách hàng càng lớn. Các tổ chức phát hành tùy ý duy trì các quy định về spread khác nhau sao cho có lợi nhất cho mình.
Ngoài ra, rất ít khách hàng có khả năng đọc chi tiết các hợp đồng CFD cũng như các quy định liên quan ở mỗi "sòng" khác nhau. Quan trọng nhất là các quy định về thanh lý vị thế khi vượt ngưỡng (margin call). Do CFD hoạt động dựa trên hình thức Market maker (Nhà tạo lập) nên ở các thời điểm phải đóng vị thế cưỡng bức, tổ chức phát hành luôn là người hưởng lợi.
CFD cung cấp tỷ lệ đòn bẩy có thể lên đến 1:200 (có 1 đồng được vay 200 đồng để giao dịch) thậm chí có thể lên đến 1:500 tùy sàn. Do đó chi phí khởi tạo hợp đồng CFD khá nhỏ. Lợi ích trên là con dao 2 lưỡi, bạn có thể giàu lên rất nhanh và "cháy" tài khoản rất nhanh. Khi vốn của bạn dưới ngưỡng tối thiểu, sàn giao dịch lập tức đóng trạng thái của bạn và bạn bị mất tiền hoàn toàn.
CFD hiện khá phổ biến trên thế giới và cũng có không ít công ty dịch vụ tên tuổi. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với khác hàng là rất ít. Khách hàng chỉ có thể tin tưởng vào uy tín, đạo đức nghề nghiệp của các công ty này. Trong bối cảnh tất cả các sàn CFD đều hoạt động online và danh tiếng của tổ chức phát hành chỉ được nhìn thấy qua trang web, nên không có gì đảm bảo một trang web hoành tráng, một profile công ty hoành tráng nghĩa là một doanh nghiệp có uy tín, nhất là có đủ vốn để đảm bảo thanh toán.
Mặt khác, hoàn toàn có thể xuất hiện những tổ chức trá hình cung cấp giao dịch CFD, mà có thể sập bất cứ lúc nào và nhà đầu tư không tìm thấy bất kỳ ai để mà kiện đòi quyền lợi.