Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công cuộc chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao. Mở cánh cửa để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tạo nền móng cho chuyển đổi số nông nghiệp, sau khi ban hành hướng dẫn xây dựng chiến lược nông nghiệp số, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã hỗ trợ được 18 nước khu vực châu Âu và Trung Á xây dựng được chiến lược quốc gia về nông nghiệp số.
Ngoài ra, một số nước phát triển cũng đã có chiến lược nông nghiệp riêng của mình như Đan Mạch, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số. Vì vậy, việc học tập, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cần thiết để rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả chuyển đổi số. Đặc biệt là chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành nông nghiệp đã được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc khi Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới.
Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị đang được chú trọng. Chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai. Ngành nông nghiệp đã và đang tăng cường giao dịch qua sàn thương mại điện tử để hỗ trợ các địa phương kết nối, kịp thời tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng như tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên các yếu tố đầu vào truyền thống cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư...) và nguồn lực tự nhiên cao. Ngành nông nghiệp đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế chưa được khắc phục.
Đáng chú ý, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp. Hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.
Công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Đó là sự nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế. Sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ.
Hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý. Thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ.
“Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ nhất, là các công nghệ số, ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới và tác động tiêu cực. Đó là sự tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất kinh doanh.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Để làm được điều đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp cần thực hiện số hóa dữ liệu bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn. Cụ thể là dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường…
Đồng thời, ngành nông nghiệp cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.