'Muốn có nhiều đại bàng dẫn dắt, không được quên chim sẻ'

Kỳ Văn
Thứ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng hình ảnh của “đại bàng” và “chim sẻ” để nhấn mạnh cần trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 29/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trao đổi với báo chí về định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Đây là định hướng lớn được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Đầu tư nông nghiệp không sinh lời ngay

- Ông đánh giá thế nào về việc nhiều tập đoàn tư nhân lớn thời gian qua đã rất hứng thú và có nhiều đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ xác định nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Có rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp.

Sự đầu tư này không phải với mục đích làm giàu mà tạo ra cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản ra nước ngoài cũng như chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Dinh huong dau tu xay dung nen nong nghiep hien dai anh 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng muốn có nhiều "đại bàng" dẫn dắt không được quên "chim sẻ". Ảnh: Thu Hà.

Trong đầu tư sẽ có những con “đại bàng” và cả những con “chim sẻ”, nhưng tôi muốn nói rằng, chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt cũng không được quên những con “chim sẻ” - đó là những hợp tác xã, là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương. Dù giá trị có thể không cao, hợp lực các “chim sẻ” tạo ra hiệu quả lan tỏa.

- Văn kiện Đại hội Đảng XIII nêu rõ định hướng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững và tuần hoàn. Vậy theo ông, đến khi nào sẽ chấm dứt được tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”?

- Thời gian qua, một bộ phận nông dân đã nhận thức được vấn đề này, song theo quán tính, cách sản xuất lạm dụng yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật quá vẫn còn tồn tại.

Ngành nông nghiệp phải xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học, thậm chí mất uy tín và thương hiệu của nông sản Việt Nam.

Sắp tới, chúng tôi sẽ có một chương trình để cân, đo, đong, đo đếm sự chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật sang thuốc sinh học. Mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn nhưng chúng ta cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp “thuận thiên”, dựa trên tự nhiên.

Một thời gian năng suất có thể giảm xuống nhưng không đồng nghĩa thu nhập sẽ giảm, vì lúc đó chất lượng nông sản tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá trị sản phẩm cũng được nâng cao.

Đó là sự đánh đổi ở giai đoạn ban đầu, nhưng nếu chúng ta quyết tâm, cơ quan truyền thông kiên nhẫn, kiên trì với người nông dân để hóa giải được một thói quen, một tập quán lâu đời, chúng ta sẽ chuyển đổi được nền nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái.

Đừng nghĩ "không biết làm gì thì làm nông"

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có chiến lược gì để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp?

- Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại sẽ trở về khởi nghiệp.

Hiện nay chúng ta chỉ tính tới “đại bàng” nhưng “chim sẻ” - các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn.

Có như vậy chúng ta mới có điều kiện thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làm nông nghiệp. Và như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải “ca cẩm” thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê.

Vì thế, phải có chính sách để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương. Việc này các cơ quan quản lý Nhà nước phải đề xuất với Chính phủ.

Nếu có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, khi các nhà đầu tư đến sẽ có hệ sinh thái xung quanh, sẽ có doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết.

Khi tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để chúng ta kéo các “đại bàng” về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân.

- Theo ông, hình mẫu nông dân hiện đại có vai trò thế nào trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp?

- Nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh, phải có những người nông dân thông minh.

Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, thông minh?

Đó là những vấn đề bằng những quyết sách, đề án để thay đổi nhận thức của người nông dân, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, hiểu biết cung - cầu, an toàn thực phẩm… Người nông dân phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải “không biết làm gì thì đi làm nông”.

Chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề