Ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam qua Australia làm việc trong ngành nông nghiệp

Tuyết Trang
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 4103/UBND-VX ngày 20/5/2024 về việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH tại Công văn số 2045/BLĐTBXH-CQLLĐNN ngày 16/5/2024 về việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp.

Nghệ An vừa ban hành Công văn số 4103/UBND-VX ngày 20/5/2024 về việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp.

Nghệ An vừa ban hành Công văn số 4103/UBND-VX ngày 20/5/2024 về việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp. (Ảnh: Minh họa)

Cùng với đó, Sở LĐTB&XH cần tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động về việc không đăng ký hay nộp tiền cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào để tham gia Chương trình Lao động Nông nghiệp tại Australia (PALM) cho đến khi Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam và đơn vị sự nghiệp được chọn tham gia chương trình, cũng như đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình.

Trong Công văn số 2045/BLĐTBXH-CQLLĐNN, Bộ LĐTB&XH cho biết, ngày 1/3/2024, Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM (Pacific Australia Labour Mobility).

Theo kế hoạch, hai bên sẽ thống nhất lựa chọn đơn vị thực hiện (doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đơn vị có tư cách pháp nhân đại diện cho Australia tại Việt Nam) để đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia, bắt đầu từ năm 2024.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đang phối hợp lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện và đơn vị sự nghiệp tham gia vào Chương trình PALM, cũng như đơn vị có tư cách pháp nhân tại Việt Nam đại diện cho Australia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp thông tin về chương trình tới người lao động, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm thủ tục hồ sơ xin cấp thị thực vào Australia làm việc, và tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương, Cổng TTĐT của Bộ LĐTB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang fanpage của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để các doanh nghiệp dịch vụ và người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình.

Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số tổ chức và cá nhân mạo danh được Bộ LĐTB&XH và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn và thu tiền của người lao động trái quy định, gây nguy cơ mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

Để ngăn ngừa tình trạng này, Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương về việc không đăng ký hay nộp tiền cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào để tham gia Chương trình Lao động Nông nghiệp tại Australia cho đến khi có thông báo chính thức từ Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Xuân Lê (t/h)