Tăng trưởng hai con số: Động lực nào cho Việt Nam bứt phá?

DNVN - Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Các chuyên gia cho rằng, công nghiệp chế biến, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và thể chế sẽ là những động lực then chốt cho giai đoạn phát triển mới.

Động lực cho tăng trưởng cao

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ tại diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 chiều ngày 8/7 ở Hà Nội, ông Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, trong 40 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa năm nào đạt được mức 10%. Tuy nhiên, trong một số năm, Việt Nam đã tiệm cận được với con số này. Câu hỏi đặt ra "đâu là những động lực cho tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn 5 năm tới cũng như các năm tiếp theo"?

Theo ông Đức Anh, một trong những động lực tăng trưởng phải kể đến là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo sẽ đóng vai trò then chốt nếu Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ và nâng cấp chuỗi giá trị, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn nhất. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo được xem là một "mỏ vàng" của Việt Nam nếu giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế. Trong khi ngành xây dựng cũng có tiềm năng tăng trưởng đột phá nhờ các công trình trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông.

Ông Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Trung ương.
Động lực thứ hai đến từ lĩnh vực dịch vụ, vốn sở hữu tiềm năng rất lớn, đặc biệt trong các ngành như du lịch, thương mại điện tử, vận tải kho bãi và dịch vụ tài chính. Những ngành này sẽ phát triển mạnh mẽ nếu khai thác hiệu quả dư địa sẵn có, gắn liền với việc phát triển hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.

 

Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, với cơ hội phát triển còn rất lớn nếu Việt Nam đi sâu vào khai thác chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.

Song song với các động lực ngành, chuyên gia nhìn nhận, lợi thế từ các cực tăng trưởng và thể chế cũng là yếu tố quan trọng, nhất là khi định hướng Chính phủ kiến tạo phát triển, quá trình phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đồng thời việc tái cấu trúc không gian kinh tế sẽ mở ra những cơ hội và không gian phát triển mới.

5 đột phá chiến lược

Nêu thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chững lại, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện quy mô xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam đã đạt hơn 45 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến 2030, con số xuất khẩu cần đạt khoảng 80 tỷ USD. Theo ông Trường, điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng trong khi tổng cầu thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.

Do đó, ông Trường đề xuất, thay vì chạy theo tăng trưởng số lượng, Chính phủ cần có thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy năng suất và đặc biệt là chuyển đổi xanh. Đặc biệt, phát triển ngành dệt may theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường chính là chìa khóa để ngành hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, tăng trưởng hai con số không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc tất cả các lĩnh vực cùng tăng mạnh như nhau.

Theo bà Liên, điều quan trọng là nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào định hướng phát triển của quốc gia. Niềm tin này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

 

Để làm được điều đó, bà Liên kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý hiện còn nhiều chồng chéo, bất cập. Đồng thời tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động thị trường và chi phí sản xuất gia tăng.

Cùng góc nhìn về mục tiêu tăng trưởng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam không nhất thiết phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng hai con số trong suốt giai đoạn đến năm 2045.

“Giai đoạn 2026-2030, nếu chúng ta đạt mức tăng trưởng 9%, và giai đoạn 2031-2045 đạt bình quân 7,5% mỗi năm, thì đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta sẽ đạt 22.700 USD. Con số này hoàn toàn đủ để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, chuyên gia tính toán.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất 5 đột phá chiến lược thay vì 3 như hiện nay của Bộ Chính trị. Bên cạnh 3 đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, cần bổ sung thêm 2 đột phá: gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chống lãng phí.

Chuyên gia cũng đưa ra sáng kiến về mô hình tăng trưởng "3I" đồng thời (Investment - Đầu tư, Innovation - Đổi mới sáng tạo, và Integration - Hội nhập), thay vì tuần tự như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.

Đồng thời, cần quản lý tốt rủi ro trên thị trường tài chính, bất động sản và thị trường vàng, cũng như khai thác tiềm năng từ thị trường carbon và quyết liệt trong việc giảm ô nhiễm môi trường...

Nguyệt Minh