Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đang “ôm” 10.969 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ 23%

Admin
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) trở thành nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết với tỷ lệ lên đến 23%, vượt xa mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu tăng mạnh, lợi nhuận giảm sâu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Quốc Dân vào thời điểm cuối quý vừa qua đạt 82.932 tỷ đồng, giảm 7,7% so với đầu năm, tương đương giảm 6.915 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 46,1%, tương đương giảm 5.379 tỷ đồng.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là cho vay khách hàng, đạt 46.701 tỷ đồng, giảm 0,05% so với đầu năm. Phân tích chất lượng nợ cho vay cho thấy chỉ duy nhất nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) là giảm so với đầu năm còn lại nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 đều tăng.

Cụ thể, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) giảm 10,3% so với đầu năm, tương đương giảm 3.768 tỷ đồng, đạt 32.778 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 50,9%, tương đương tăng 1.334 tỷ đồng, đạt 3.954 tỷ đồng.

Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất 147,4%, tương đương tăng 1.515 tỷ đồng, đạt 2.542 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 18,7%, tương đương tăng 795 tỷ đồng, đạt 5.044 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng 3,1%, tương đương tăng 102 tỷ đồng, đạt 3.383 tỷ đồng.

ngan-hang-quoc-dan-ncb-dang-om-10969-ty-dong-no-xau-1686274079.jpg
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) trở thành nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết với tỷ lệ lên đến 23%

Tổng nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) của NCB tại thời điểm 31/3/2023 là 10.969 tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của ngân hàng này đang cao ở mức ngất ngưỡng, gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 23%, tăng 5,07 điểm phần trăm so với đầu năm.

Tại 31/3/2023, tiền gửi của khách hàng tại NCB đạt 70.212 tỷ đồng, giảm 1,6% so với đầu năm, tương đương giảm 1.138 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng cá nhân là đối tượng gửi tiền nhiều nhất tại NCB với tỷ trọng 88,9%, tương đương 62.443 tỷ đồng; tổ chức kinh tế chỉ chiếm tỷ trọng 10,6%, tương đương 7.473 tỷ đồng. Đáng chú ý là tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm trong quý 1 với 1.576 tỷ đồng.

Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng NCB chủ yếu chọn hình thức tiền gửi có kỳ hạn, chiếm tỷ trọng 93,3% và chỉ 6,3% là hình thức tiền gửi không kỳ hạn.

Về báo cáo kết quả hoạt động trong quý 1/2023 của NCB cho thấy, ngoại trừ kinh doanh ngoại hối có sự tăng trưởng thì tất cả các hoạt động còn lại đều ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.

Hoạt động cốt lõi là thu nhập lãi thuần ghi nhận giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 375 triệu đồng, đạt 260 tỷ đồng.

Mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận mức lãi thuần 237 triệu đồng, giảm 60 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương mức giảm 99,6%.

Hoạt động dịch vụ và hoạt động khác đều ghi nhận lỗ thuần. Cụ thể, hoạt động dịch vụ lỗ thuần 359 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi thuần 85 tỷ đồng. Hoạt động khác ghi nhận lỗ thuần 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt 4 tỷ đồng lãi thuần.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức lãi thuần 62 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ thuần 5 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1, NCB ghi nhận 310 tỷ đồng tổng thu nhập, giảm 23,4% so cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 94 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động đạt 264 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 32 tỷ đồng. Bất ngờ nhất là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 72,6%, tương đương giảm 106 tỷ đồng, đạt 40 tỷ đồng. Nhờ vậy, NCB kịp thời ghi nhận lợi nhuận dương trong kỳ.

Kết thúc quý 1/2023, NCB ghi nhận 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 78,4% so cùng kỳ năm trước, tương đương 20 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận khiêm tốn này, NCB trở thành nhà băng có lợi nhuận trong quý 1/2023 thấp nhất trong 27 ngân hàng niêm yết.

Ai đang “lèo lái” NCB?

Hiện nay, HĐQT của NCB có 5 thành viên gồm bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT, bà Trương Lệ Hiền và bà Hoàng Thu Trang, thành viên; bà Trịnh Thanh Mai, thành viên độc lập. Trong đó, 3 nhân sự đầu tiên được bổ nhiệm vào 29/7/2021 và 2 nhân sự sau được bổ nhiệm vào 18/6/2022. Điều đặc biệt là bà Bùi Thị Thanh Hương vừa được bầu vào thành viên HĐQT NCB đã ngồi ngay vị trí Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Nguyễn Tiến Dũng đã có thời gian dài giữ chức Chủ tịch HĐQT từ 10/11/2017.

ngan-hang-ncb-1686274176.jpg
Tổng nợ xấu NCB tăng vọt từ 616 tỷ đồng vào 30/6/2021 lên 10.969 tỷ đồng vào 31/3/2023; tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,48% lên 23%.

Hồ sơ của Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương (sinh năm 1980) khá nổi bật với trình độ cử nhân Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp – Việt (CFVG), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà có chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập năm 2005 (CPA – Bộ Tài chính), chứng chỉ Kế toán viên công chứng Úc năm 2014 (CPA Úc).

Bà Bùi Thị Thanh Hương từng là Phó Giám đốc Phụ trách khối Tài chính, Kế toán trưởng tại SeABank; Phó Tổng Giám đốc TPBank; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời.

Như vậy, bà Bùi Thị Thanh Hương đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT NCB trải qua 7 kỳ báo cáo tài chính theo quý. Trong khoản thời gian này, tổng tài sản giảm 1,2%, tương đương 1.038 tỷ đồng nhưng tiền gửi của khách hàng tăng 1,9%, tương đương 1.309 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 14,3%, tương đương 5.960 tỷ đồng.

bui-thi-thanh-huong-1686274211.jpg
Bùi Thị Thanh Hương đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT NCB và kết quả là ngân hàng Quốc Dân (NCB) đang “ôm” 10.969 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ 23%

Tuy nhiên, NCB đã ghi nhận lỗ 117 tỷ đồng trước thuế trong 7 quý vừa qua. Tổng nợ xấu tăng vọt từ 616 tỷ đồng vào 30/6/2021 lên 10.969 tỷ đồng vào 31/3/2023; tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,48% lên 23%.

NCB muốn bán gấp 203 triệu cổ phần Bamboo Airways

Theo đó, NVB thông qua việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phiếu CTCP Hàng Không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV) với giá chuyển nhượng bằng tổng toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi mà NCB đã thực hiện cấn trừ cộng với tiền lãi phát sinh tính từ thời điểm cấn trừ đến thời điểm bên mua thực hiện thanh toán với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi VND bình quân của tổ chức kinh tế, cá nhân tính trên nợ gốc đã thực hiện cấn trừ.

NCB cho biết phương án trên được đề ra căn cứ vào nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và tình hình thực tế, NCB cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xử lý số cổ phần CTCP Hàng Không Tre Việt mà NCB hiện nắm giữ để sớm thu hồi vốn.

Việc chuyển nhượng cổ phần BAV theo phương thức thỏa thuận với giá chuyển nhượng như đề xuất dưới đây sẽ giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện, sớm thu hồi đủ vốn cho ngân hàng.