Ngân hàng siết vốn, đóng “room”: Cần cái nhìn công bằng với bất động sản

Kỳ Văn
Các chuyên gia cho rằng cần phải có cái nhìn rạch ròi, công bằng về bất động sản, không phải cứ đầu tư là đầu cơ dẫn đến “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng vào bất động sản.
Ngân hàng siết vốn, đóng “room”: Cần cái nhìn công bằng với bất động sản - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, dự án có nguy cơ phải tạm dừng triển khai

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định, không có văn bản chỉ đạo nào về vấn đề "siết" hay "thắt", "chặn" tín dụng bất động sản.

Siết vốn, hết "room"

NHNN cũng cho biết, thực tế tín dụng bất động sản 5 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng cao hơn tốc độ tín dụng chung. Hiện nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cho vay bất động sản chủ yếu là trung và dài hạn.

Do đó, cho vay bất động sản đồng nghĩa ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. Kiểm soát tín dụng bất động sản cũng là để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường bất động sản.

Song NHNN cũng khẳng định tất cả các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được ngân hàng thương mại xem xét cho vay và được kiểm soát bằng các hạn mức, quy định và tỷ lệ.

Về kiểm soát tín dụng với bất động sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Phó Thủ tướng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp trong một chia sẻ mới đây với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, công ty đang thực hiện nhiều dự án cùng một lúc, số vốn cần để thực hiện là rất lớn song nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng đang "nghẽn" vì các lý do hết "room". Điều này khiến một số dự án phải tạm dừng, dù thủ tục đã gần xong hết.

Trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group cũng chia sẻ, doanh nghiệp này đang làm hồ sơ vay 2.000 tỷ đồng, nhưng chờ 3 tháng nay vẫn chưa được do các ngân hàng thông báo "hết room".

Ở phương diện đơn vị môi giới, Tổng Giám đốc Công ty Aphal Real Hoàng Liên Sơn cho biết, thời gian vừa qua, ngân hàng đã bắt đầu thắt chặt lại nguồn vốn cho vay. Một số khách hàng có hợp đồng tín dụng vay trước đó, nay đến thời điểm giải ngân để nhận nhà thì phải chờ tháng sau, quý sau ngân hàng mới giải ngân tiếp.

Công bằng với bất động sản

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, các vướng mắc trong thủ tục hành chính đã khiến cho nhiều dự án bị đình trệ, tác động kép của dịch bệnh càng khiến doanh nghiệp gặp khó trong triển khai xây dựng.

Ngân hàng siết vốn, đóng “room”: Cần cái nhìn công bằng với bất động sản - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn

Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát là thời điểm nhiều dự án thi công xây dựng trở lại thì gặp cảnh vật liệu xây dựng phi mã, tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, hết "room". Điều này có thể khiến các dự án đồng loạt rơi vào phải tạm dừng để chờ vốn, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản cũng như kéo giá nhà tăng cao.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cần nhìn nhận thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Không những vậy, việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến các hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng cần phải có cái nhìn rạch ròi về đầu tư bất động sản, không phải cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ.

Ông Cường lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn. Trong khi đó, ngành bất động sản kích thích tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết.