Ngành dệt may Việt Nam đưa ra chiến lược mở tập trung vào thị trường nội địa

Tuyết Trang
Ngành dệt may Việt Nam từ lâu đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang ngày càng chú trọng vào thị trường nội địa đầy tiềm năng. Với phân khúc sản phẩm đa dạng, chú trọng về chất lượng gắn với xu thế tiêu dùng, dệt may Việt Nam kỳ vọng ngày càng mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”.

Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Đức Giang, Tổng công ty May 10- CTCP (May 10) liên tục mở mới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang Phạm Tiến Lâm cho hay, công ty coi phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược quan trọng. Trong điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Tổng công ty Đức Giang tiếp tục giới thiệu đến khách hàng trong nước không gian mua sắm mới là minh chứng cho việc phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm thời trang chất lượng.

Ngành dệt may Việt Nam: Mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”Ngành dệt may Việt Nam, mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”

Hiện nhiều nhãn hàng thời trang Việt Nam đã liên tục mở rộng điểm bán tại thị trường nội địa. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị thế trên thị trường thời trang nội địa, như: Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ… Chất lượng sản phẩm với những thiết kế độc đáo, sáng tạo, mới lạ, gắn với xu hướng xanh và tiêu dùng thuận lợi cho người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp phát huy để chiếm lĩnh thị trường nội địa, kéo người tiêu dùng Việt ưu tiên dùng hàng Việt…

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam phải “đi bằng hai chân”, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường trong nước. Với dân số 100 triệu người và thu nhập của người dân ngày càng tăng, nếu khoảng 15% thu nhập dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất, thiết kế mẫu mã, sử dụng đa dạng nguyên, phụ liệu để phù hợp với nhu cầu từng vùng miền, lứa tuổi, thu nhập...

Được đánh giá là thị trường thời trang có sức hút lớn, những năm qua, hàng trăm hãng thời trang lớn thế giới đã liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam với hệ thống cửa hàng rộng khắp.

Các chuyên gia cho rằng, để không bị đánh mất thị phần ngay tại "sân nhà", doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, gia tăng giá trị sản phẩm, liên tục ra mắt các thiết kế mới, đồng thời tạo đột phá với bản sắc riêng, lối đi riêng cùng cách tiếp cận thân thiện với người tiêu dùng.

Thiên Trường (t/h)