Sau khi Nghị quyết 50-NQ/TW được ban hành, Nghệ An đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai, như Kế hoạch 490/KH-UBND (2020) và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nhờ đó, đến tháng 11/2024, tỉnh đã thu hút 147 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD từ 14 quốc gia, trong đó nổi bật là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Năm 2022 và 2023, Nghệ An lọt vào TOP 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đã đạt mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD. Đặc biệt, các tập đoàn công nghệ lớn như Foxconn, Luxshare và Goertek đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Giai đoạn 2019-2024, khu vực FDI tại Nghệ An đóng góp tích cực vào ngân sách, với mức thu năm 2023 đạt 268,97 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2019. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 5 lần, từ 222,4 triệu USD (2019) lên hơn 1 tỷ USD (2023), trong khi nhập khẩu cũng tăng mạnh, đạt gần 900 triệu USD vào năm 2024.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chia sẻ các kinh nghiệm quan trọng, nhấn mạnh vai trò của hạ tầng khu công nghiệp và việc ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực lớn. Tỉnh đã kiên trì áp dụng nguyên tắc “5 sẵn sàng” gồm: Quy hoạch, hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, và cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ thu hút đầu tư diện rộng sang chọn lọc các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, và sử dụng hiệu quả tài nguyên được xem là hướng đi trọng tâm.
Tuy đạt được nhiều thành tựu, việc triển khai các dự án FDI tại Nghệ An vẫn gặp một số khó khăn như quy trình pháp lý phức tạp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và hạn chế trong chính sách chuyển giao công nghệ.
Để giải quyết, tỉnh kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực, và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi cần đủ hấp dẫn, đảm bảo tính ổn định lâu dài nhằm tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, từ một địa phương có điểm xuất phát thấp, Nghệ An đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút FDI. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để mở rộng khu công nghiệp, thu hút các dự án công nghệ cao và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Nghệ An trong triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Lê Quyết (t/h)