‘Nhiều tỉnh làm chưa chuẩn, siết quá chặt để dân không dám về quê’

Kỳ Văn
Trước việc nhiều địa phương siết quá chặt khiến người dân không dám về quê, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành không được làm quá yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân.

Vấn đề khoanh vùng, cách ly để kiểm soát dịch bệnh được tập trung thảo luận trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 5/2. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo).

Theo báo cáo, từ 25/1 đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 389 trường hợp mắc Covid-19 tại 11 tỉnh, thành phố.

Bình tĩnh ứng phó

Qua thực tiễn chống dịch những giai đoạn trước, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh lưu ý cần bình tĩnh ứng phó. “Khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh những việc làm gây sốc cho xã hội”, ông Vinh nói.

Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, sợ nên làm quá, siết chặt để dân không dám về quê.

Ông Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.

tinh hinh dich Covid-19 moi nhat anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương không được làm quá yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.

Theo ông Tuyên, tất cả người sinh sống trong khu vực phong toả là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp đặc biệt (như người bị bệnh nặng phải được đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.

Còn những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).

“Các địa phương không được 'ngăn sông, cấm chợ', không được làm quá yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm Bộ Y tế đang phối hợp với các địa phương, từ “mô hình phong tỏa trong phong tỏa” được thực hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh, để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đó là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.

Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc “phong toả trong phong toả”, cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hoá cho bà con được lưu thông trong dịp Tết.

Truy vết tích cực, phong toả nhiều lớp

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng.

Cùng với đó, các tỉnh, thành cần chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

tinh hinh dich Covid-19 moi nhat anh 2

Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm việc cách ly, tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả trường hợp âm tính. Ảnh: VGP.

Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15, phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm việc cách ly, tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả trường hợp có kết quả âm tính.

Song song đó, các địa phương cần khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu.

Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các kết quả nghiên cứu cho thấy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn, thời gian ủ bệnh của tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2 đều vào khoảng 14 ngày.

Vì vậy, Bộ Y tế đang xem xét, phân tích để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung. “Thực tế, các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung là 14 ngày”, đại diện Bộ Y tế nói.

tinh hinh dich Covid-19 moi nhat anh 3

Trong 2 ngày gần đây, có 6/10 tỉnh, thành ghi nhận ca bệnh mới là Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hai ngày gần đây, có 6/10 tỉnh, thành ghi nhận ca bệnh mới (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh).

Bộ Y tế lưu ý với sự xuất hiện của chủng biến thể SARS-CoV-2 mới, các biện pháp cấp bách cần triển khai kịp thời, hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát rộng tại các tỉnh, thành phố.

Về diễn biến dịch tại tỉnh Điện Biên, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định “có nhiều điểm giống Gia Lai”.

Hiện ở Điện Biên chính thức có 3 ca mắc Covid-19, trong đó 2 ca về đến địa phương đã được cách ly tập trung ngay. Một ca được phát hiện sau khi về nhà, địa phương đang khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Bộ Y tế cũng đã cử đoàn chuyên gia, bác sĩ lên hỗ trợ cho Điện Biên trong phòng chống dịch. Các chuyên gia dự đoán tình hình dịch bệnh ở Điện Biên sẽ sớm được kiểm soát.

Tuy nhiên, chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) đón và trả khách dọc đường, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đặc biệt lo ngại. Hiện nay, các lực lượng chức năng khẩn trương truy vết, tìm hành khách xuống xe dọc đường.

Bên cạnh đó, cận Tết, người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông, nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…).

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu xử lý nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch.