Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.
Trước đó, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động vẫn có những đơn vị chưa niêm yết hoặc chưa có kế hoạch niêm yết như ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVComBank), ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ảnh: Minh hoạ.
Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, dựa phần lớn vào niềm tin của người gửi tiền. Đó cũng là lý do vì sao việc đòi hỏi tính công khai, minh bạch của hệ thống ngân hàng là rất cao. Việc yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán từ phía cơ quan quản lý, Thủ tướng Chính phủ cũng là nhằm phục vụ mục tiêu này.
Ngân hàng lên sàn chứng khoán được coi là một bước tiến quan trọng giúp minh bạch hoá hoạt động, phát triển về mặt dài hạn của riêng từng ngân hàng, giúp lành mạnh hoá hệ thống. Đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thời hạn cụ thể, cùng với đó là kỳ vọng, mong mỏi của các cổ đông khi cổ phiếu ngân hàng được niêm yết sẽ giúp tăng giá, tăng tính thanh khoản, giúp đa dạng hoá thị trường thì gần như không có lý do gì để các ngân hàng trì hoãn việc lên sàn nữa.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành, minh bạch cũng là thách thức cho nhiều ngân hàng khi số lượng thông tin phải công bố khi lên sàn và mức độ tuân thủ thông tin yêu cũng cầu cao hơn. Vì vậy nếu không có sự chuẩn bị trước thì việc lên sàn cũng không hề đơn giản.
Nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt là CBBank, OceaBank, GPBank, DongABank chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian ngắn tới thì 4 ngân hàng kể là SCB, VietABank, PVComBank, BaoVietBank đều đang hoạt động bình thường.
Về vấn đề các ngân hàng không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng về lộ trình lên sàn chứng khoán sẽ bị xử lý ra sao? Nhadautu.vn đã liên hệ với một đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước nhưng vị này từ chối trả lời.
Thông tin công bố từ phía 4 ngân hàng thương mại về kết quả kinh doanh 3 năm trở lại đây cho thấy hoạt động đều hoạt động có lãi.
Như SCB: 9 tháng năm 2020 đạt lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng; năm 2019 con số lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng, còn năm 2018 là 229 tỷ đồng.
VietABank: 9 tháng năm 2020 lợi nhuận trước thuế đạt 167 tỷ đồng; năm 2019 con số lợi nhuận trước thuế là hơn 300 tỷ đồng, còn năm 2018 là 188 tỷ đồng.
BaoVietBank: Cả năm 2018 và 2019 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức hơn 100 tỷ đồng; Theo cập nhật đến hết quý 1/2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ ở mức hơn 2 tỷ đồng, giảm gần 4 lần so với năm 2019.
PVComBank: Năm 2018 và 2019 PVComBank báo lãi sau thuế lần lượt là hơn 95 tỷ đồng và 210 tỷ đồng. Sang đến nửa đầu năm 2020, lợi nhuận của ngân hàng mới đạt 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ngoài SCB trong Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 7/12 thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu trên HoSE chậm nhất vào năm 2025 thì với 3 ngân hàng còn lại kế hoạch lên sàn vẫn là dấu hỏi lớn.