Nợ vay phình to, kinh doanh tuột dốc tại Địa ốc Việt Hân sau khi về tay nhóm TNG Holdings

Admin
Năm 2016, người của TNG Holdings xuất hiện trong ban lãnh đạo của Địa ốc Việt Hân. Cũng từ đây, Địa ốc Việt Hân vươn mình với các dự án trải dài trong cả nước, song những khó khăn cũng bắt đầu bủa vây Địa ốc Việt Hân những năm gần đây.

viet-han-1665293656.jpeg

Với 4.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần thương mại – quảng cáo – xây dựng – địa ốc Việt Hân góp mặt trong danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021.

Đường Địa ốc Việt Hân về tay TNG Holdings

Địa ốc Việt Hân là chủ đầu tư dự án Castle Plaza (nay là TNR Goldmark City) trên khu đất 12ha tại số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2006 và gắn liền với tên tuổi của ông Đinh Trường Chinh (SN 1974), người sáng lập, điều hành công ty trong nhiều năm liền.

Tuy nhiên đến tháng 10/2016, ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980) thay thế ông Đinh Trường Chinh đảm nhận vai trò chủ tịch HĐQT/người đại diện pháp luật Địa ốc Việt Hân.

golmdra2_sfvd.jpg

Dự án TNR Goldmark City tại 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cần biết rằng, ông Bùi Quang Tuấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển TNI Holdings Việt Nam. Đơn vị do Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH nắm giữ đến 55% cổ phần (10/2017).

Theo lời tự giới thiệu, TNH Hotels & Resorts được thành lập từ năm 2015 bởi Tập đoàn TNG Holdings Vietnam.

Như vậy, có thể thấy rằng, Địa ốc Việt Hân bắt đầu chịu sự chi phối từ hệ sinh thái TNG Holdings vào cuối năm 2016, thời điểm sau khi ông Đinh Trường Chinh rời “ghế nóng” tại đây.

Cập nhật mới đây nhất, tại ngày 6/6/2022 vốn điều lệ Địa ốc Việt Hân đạt 3.009,7 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là bà Đào Thị Kim Nhung (SN 1992).

Nợ thuế và người lao động tăng mạnh

Sau mức đỉnh doanh thu (5.423 tỷ đồng) và lợi nhuận (670,7 tỷ đồng) trong năm 2018, kết quả kinh doanh Địa ốc Việt Hân đi xuống trong 3 năm gần đây.

Theo đó, kết thúc năm 2021 Việt Hân chỉ ghi nhận 487,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 73% so với năm 2020 và giảm đến 91% từ đỉnh năm 2018. Đi kèm với đó, lợi nhuận sau thuế cũng lao dốc về 19,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 26,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản Địa ốc Việt Hân tính đến cuối năm ngoái đạt 18.943 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, Hàng tồn kho giảm từ 1.502 tỷ đồng về còn 25,9 triệu đồng. Doanh nghiệp ghi nhận 1.916 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang..

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng 21%, đạt 14.996 tỷ đồng sau 12 tháng. Đáng chú ý khi nợ vay 59%, lên 10.362 tỷ đồng – tương đương chiếm 69% tổng nợ phải trả.

Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh tài chính của Địa ốc Việt Hân là việc Nợ người lao động và Nợ thuế nhà nước tăng cao.

Cụ thể hơn, khoản mục Thuế và các khoản phải nộp nhà nước trong năm 2021 tăng gấp 7 lần, từ 5,4 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 35,2 tỷ đồng kết thúc năm. Tương tự, phải trả người lao động cũng tăng gần gấp đôi – từ 6,5 tỷ đồng lên 11,1 tỷ đồng.

Cái vươn mình của Địa ốc Việt Hân

Sau khi đổi chủ, Địa ốc Việt Hân hoạt động tích cực trên thị trường bất động sản, khi tham gia vào nhiều dự án lớn.

Đơn cử năm 2018 Địa Ốc Việt Hân được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ định thầu dự án đầu tư xây dựng Khu biệt thự sông Uông, TP. Uông Bí với quy mô khoảng 32ha, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty Việt Hân liên danh cùng CTCP đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang để thực hiện dự án đường Trương Định và khu dân cư hai bên đường.

Một dự án khác do Liên danh Công ty Việt Hân và Công ty Hạ tầng Nam Quang làm chủ đầu tư là dự án Khu đô thị Tây Bắc II, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk. Dự án được giao cho liên danh này làm chủ đầu tư năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng.

Công ty Việt Hân còn được biết đến là chủ đầu tư một số dự án khác như dự án phát triển đô thị số 9A – phường Sông Hiến thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; Dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Một điểm khá thú vị rằng, đa số tài sản của các dự án kể trên đều được Địa ốc Việt Hân sử dụng làm tài sản đảm bảo để thế chấp cho các khoản vay của mình tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime bank -HOSE: MSB).

Ngoài Địa ốc Việt Hân, nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái TNG Holdings cũng tham gia tích cực trong việc kêu gọi nhóm từ kênh trái phiếu như CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam; CTCP Bất động sản Mỹ.. tiềm lực kinh tế của nhóm này sẽ được đề cập trong bài tiếp theo.