Phát triển bền vững khu công nghiệp góp phần hướng tới cam kết Netzro

Admin
Khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050.

Vai trò quan trọng nhưng chưa thật sự bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững Khu công nghiệp Việt Nam" của VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng uỷ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.

Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, đã có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, những con số và phân tích trên đây đã cho thấy rằng sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh KT-XH của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (NetZero) vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

"Các doanh nghiệp có thể "soi mình" vào đó với các chỉ số về môi trường, lao động, quản trị xã hội…. sẽ thấy được mức độ phát triển bền vững của mình. CSI là công cụ hết sức hữu hiệu được doanh nghiệp đánh giá cao trong suốt 8 năm qua", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn. Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Cần hoàn thiện cơ chế, học hỏi những mô hình tốt

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, quá trình nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo một số mô hình ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á.

Một trong những ví dụ điển hình về khu công nghiệp sinh thái đó là khu công nghiệp Kalundborg của Đan Mạch, với chu trình khép kín và khả năng liên kết, trong đó có 11 doanh nghiệp tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng.

Gần với Việt Nam hơn là ví dụ của thành phố Kawasaki tại Nhật Bản, là một thành phố công nghiệp rất lớn. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng...

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Còn điểm nghẽn pháp lý khiến cho sự phát triển KCN, KKT tại Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Tuyến đã đưa ra những nghiên cứu, đánh giá hoạt động của các KCN, KKT ở nước ta trong thời gian qua để làm nổi bật một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của KCN, KKT, trong đó ông đưa ra một số vấn đề và giải pháp.

Vấn đề thứ nhất theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến là những thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KCN, KKT trong phát triển KT-XH; chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; đặt trong mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác, với sự phát triển vùng và với xã hội; loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; quy định về quản lý KCN, KKT có sự khác biệt với các luật chuyên ngành...Ông Nguyên Quang Tuyến cho rằng, cần nghiên cứu, soạn thảo ban hành các quy định về phân khúc BĐS công nghiệp góp phần đưa hoạt động của phân khúc BĐS này đi vào nề nếp và thúc đẩy sự vận hành của phân khúc BĐS công nghiệp thông suốt, lành mạnh.

Bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho rằng: Còn có nhiều khó khăn, đầu tiên là một số vấn đề về nguồn vốn và tài chính. Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.

Tiếp đó là đến từ năng lực cũng như các quy định pháp lý của nhà nước. Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.

Dẫn một ví dụ khác nữa là về nước thải, bà Loan cho hay: Hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với hệ thống xử lý nước thải mới, với quyết tâm về việc giữ gìn môi trường, thì KCN đã xử lý nước thải cấp A, ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong khu công nghiệp, nhưng vẫn khó khăn trong việc vận hành.

"Thông thường, việc dễ gây ô nhiễm môi trường đó là chôn lấp hay đốt rác thải, mà bản thân các doanh nghiệp thì ít theo dõi được các nguồn thông tin về rác thải là vấn đề rào cản rất lớn", bà Trần Thị Tố Loan phân tích.

Dưới góc nhìn quốc tế, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies phân tích: Người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện là những khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo xu hướng phát triển của toàn cầu, các nhãn hàng và người tiêu dùng Hoa Kỳ đều mong muốn thể hiện tính bền vững trong sản phẩm hàng hoá do nhãn hàng sản xuất trong chuỗi cung ứng.

Đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 hướng tới NetZero vào năm 2050 song CEO Bay Global Straegies cũng chia sẻ: người tiêu dùng Hoa Kỳ muốn có tính bền vững trong sản phẩm, hàng hoá như sử dụng năng lượng tái tạo ngay tại thời điểm này.

Bà Virginia Foote cho rằng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.

Cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong khu công nghiệp để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không. Các địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề…; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế… thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

"Để có thể thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, các khu công nghiệp cung cấp chương trình phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu mà các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm", bà Virginia Foote khuyến nghị.

Anh Minh