Quan Sơn, Thanh Hóa: Cuộc sống 3 không của 3 bản vùng biên

Admin
3 bản người Mông, Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo) thuộc huyện vùng biên Quan Sơn bao năm gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống “biệt lập” của hàng trăm hộ dân nơi đây quanh năm bị bó hẹp với những thiếu thốn, không điện, không đường, không trạm…

Con đường đến với 3 bản Mông chỉ là những lối đi nhỏ ngược biên, đầy sình lầy

Từ trung tâm xã Sơn Thủy để tiếp cận được bản Mùa Xuân chúng tôi phải vật lộn với cung đường 16km độc đạo đầy khó khăn, trắc trở, ghập ghềnh. Con đường nhỏ chỉ là lối đi tắt, thêm cơn mưa rừng từ đêm qua khiến nó trở nên trơn trượt, sình lầy hơn bao giờ hết. Phải mất gần buổi sáng, khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới đến được với bản Mùa Xuân. Từ trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt về trước mặt là những mái nhà lợp gỗ thấp lẹt tẹt, sẫm, cũ, lộ rõ sự nghèo khó. Bản Mùa Xuân, Xía Nọi và Ché Lầu gần như nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là những đỉnh núi cao ngút ngàn.

Không giấu niềm vui khi được gặp những vị khách lạ, trưởng bản bản Mùa Xuân, anh Thao Văn Dia cho biết: Mùa Xuân hiếm khi có khách đến chơi bởi họ ngại đối mặt với cung đường đất đỏ đặc quánh, dẻo quạnh đầy rẫy những hiểm nguy luôn rình rập. Những vị khách đến đây đều “đặc biệt” bởi họ có thể là cán bộ, là phóng viên, nhà báo hay những người đi phượt.

Khi biết chúng tôi là những vị khách “đặc biệt” trưởng bản không ngần ngại chia sẻ những khó khăn của bản nhà. Anh Dia cho biết: Cuộc sống của người dân bản Mông nơi đây còn quá nhiều khó khăn. Trước đây, người dân trong bản ở không cố định do tập tục du canh, du cư. Mãi về sau này, với những chính sách, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bà con mới dần bỏ đi những tập tục trên. Tuy nhiên, sự lựa chọn định cư ở những vùng địa hình đồi núi cao đang khiến cho việc phát triển kinh tế, xã hội của bản gặp phải vô vàn những khó khăn.

“Cả bản có 113 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo. Do giao thông cách trở dẫn tới mọi hoạt động giao thương với bên ngoài đều hạn chế. Học sinh thì không mặn mà với việc đi học. Việc không đường, không điện lưới… khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây gần như “biệt lập” với thế giới hiện đại bên ngoài” - Trưởng bản Dia bày tỏ mong ước: Có con đường thông suốt từ xã lên đến bản Mùa Xuân để người dân đi lại thuận tiện, những thầy cô cắm bản đỡ vất vả hơn mỗi lần xuôi ngược, cần có cả những điều thiết yếu như trạm y tế, điện chiếu sáng, sóng vô tuyến…

Rời bản Mùa Xuân chúng tôi tiếp tục di chuyển ngược biên khoảng hơn 4 km thì đến bản Xía Nọi (cũng thuộc địa phận xã Sơn Thủy) rồi tiếp đó là bản Ché Lầu (xã Na Mèo). Cuộc sống khó khăn với những thiếu thốn cũng chẳng khá hơn là bao so với bản Mùa Xuân. Có chăng, cái hơn bản Mùa Xuân và bản Xía Nọi, bản Ché Lầu đã có điện chiếu sáng. Về mặt sinh kế, những năm qua, người dân bản thường xuyên được cấp giống ngô, lúa và hoa màu khác, nhờ vậy mà nhiều gia đình Mông đã không còn phải trông chờ gạo cứu đói. Tuy nhiên, do thói quen canh tác lạc hậu, không tiếp cận được kĩ thuật trồng trọt tiên tiến dẫn tới năng suất thấp, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp. Một số loại cây như ngô, sắn hay cây lấy gỗ (xoan, chàm…) đường giao thông khó khăn nên việc bán buôn cũng là điều không thể.

Có lẽ đều vất vả nhất mà người dân bản cho chúng tôi biết đó là thiếu trạm y tế, nên người dân có đau ốm, sinh đẻ phải cáng võng, cuốc bộ xuống dưới trung tâm, đi mất mấy giờ đồng hồ. Mong muốn của bà con ba bản người Mông ngoài con đường giao thông được nâng cấp, sửa sang, cải tạo còn là được đặt một trạm y tế ở bản, để mỗi khi có người ốm đau không phải đi xa, không phải dùng lá rừng chữa bệnh, không phải trông chờ vào cơ may của số mệnh. Trĩu nặng tâm tư từ những khó khăn của 3 bản người Mông, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Vũ Văn Đạt - BT Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông Đạt bật mí những tín hiệu vui. Về giao thông, hiện đang có 3 tuyến giao thông chính.

Tuyến thứ nhất là từ bản Son lên bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuyến thứ hai từ bản Ché Lầu đi bản Xía Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Hiện UBND huyện đang trình cấp trên phê duyệt. Tuyến thứ ba từ bản Xía Nọi xuống bản Khà, trung tâm xã Sơn Thủy cũng đang được UBND huyện trình xin chấp thuận chủ trương từ nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025. Nếu sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì về cơ bản hệ thống giao thông đối với 3 bản Mông được giải quyết.

Về điện lưới, 2 bản Mùa Xuân và Xía Nọi là 2 bản nằm trong gói dự án 6 bản của huyện Quan Sơn chưa có điện lưới Quốc gia đã được đưa vào danh sách đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng đang chậm, huyện đã đang tiếp tục đề nghị. Về sinh kế cho người dân, lâu nay UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án định canh, định cư cho đồng bào Mông do Ban dân tộc làm chủ đầu tư. Lâu nay cũng đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ như hỗ trợ nông cụ, giống má…

Cũng theo ông Đạt, về phía huyện còn nhiều khó khăn nên chủ yếu đang đầu tư theo chính sách khai hoang phục hóa ruộng đất cho bà con. Còn ngân sách huyện hiện đang cân đối làm hệ thống thủy lợi, đường nước cho bà con có nước tưới tiêu. Huyện Quan Sơn cũng đang nỗ lực triển khai một chuyên đề riêng hỗ trợ bà con, giao cho phòng Nông nghiệp chủ trì. Theo đó, sẽ rà soát lại toàn bộ quỹ đất đai của 3 bản Mông để có định hướng hợp lý cho bà con nâng cao thu nhập, tạo việc làm.

Rời Quan Sơn trong dư âm của vô vàn khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi mong sẽ có những thay đổi thật nhanh, tích cực, đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con 3 bản người Mông, để họ không còn “biệt lập” với thế giới bên ngoài vì đường giao thông khó, vì không có điện sáng hay trạm y tế ở gần…

Tiến Anh