Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc, thương hiệu LÁ HOUSE đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Admin
Nhiều sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu LÁ HOUSE do Công ty TNHH NÀNG LÁ phân phối được quảng cáo giống thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.

Hiện nay, trước bối cảnh đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm cũng được đông đảo người tiêu dùng thuộc mọi tầng lớp quan tâm. Chính vì vậy mà thị trường mỹ phẩm luôn đa dạng với nhiều sản phẩm chăm sóc da nhất là sự xuất hiện của sản phẩm, thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới được các đơn vị kinh doanh nhập khẩu phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, chính sự đa dạng này kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó có vấn nạn mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, xuất phát từ lợi nhuận cao, một số đơn vị kinh doanh còn tung ra chiêu bài quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc, thương hiệu LÁ HOUSE đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị bệnh, thương hiệu LÁ HOUSE có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Công ty TNHH NÀNG LÁ với cửa hàng quy mô hơn 100m2 tọa lạc tại trung tâm Quận 1 (địa chỉ 88 Mạc Thị Bưởi, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu LÁ HOUSE. Thương hiệu lá HOUSE ra đời với khát vọng là thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam nguồn gốc thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu chính ngạch từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… với đầy đủ hồ sơ chứng nhận an toàn, được cấp phép bởi Bộ Y tế. Sản phẩm LÁ HOUSE chăm sóc da, cải thiện các khiếm khuyết bằng các thành phần thiên nhiên, hướng tới liệu pháp an toàn, lành tính cho người sử dụng, kể cả phụ nữ mang thai, cho con bú và làn da trẻ tuổi dậy thì.

Thế nhưng, Công ty TNHH NÀNG LÁ lại "phù phép" mỹ phẩm thương hiệu LÁ HOUSE thành thuốc trị bệnh, lừa dối người tiêu dùng?

Cụ thể, trên website https://lahouse.vn/ (được giới thiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH NÀNG LÁ), quảng cáo COMBO TRỊ MỤN lại là hai sản phẩm gồm serum và nước hoa hồng, đây là thông tin quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm. Một bác sĩ của Viện Da liễu khi được phóng viên hỏi về công dụng điều trị của các loại serum và nước hoa hồng mang thương hiệu LÁ HOUSE quảng cáo trên website thì vị này cho biết: “Serum và nước hoa hồng chỉ là mỹ phẩm giúp da sáng và đều màu chứ không thể can thiệp tình trạng mụn nên không được gắn công dụng trị mụn. Mụn là bệnh lý và cần phải thăm khám, có phác đồ điều trị theo từng loại mụn mới hiệu quả và chữa khỏi”.

Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc, thương hiệu LÁ HOUSE đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Không chỉ serum mà mặt nạ dưỡng da cũng được thương hiệu này quảng cáo với công năng trị mụn.

Không chỉ quảng cáo mỹ phẩm là sản phẩm trị mụn, thương hiệu này cũng quảng cáo mỹ phẩm với công dụng trị sẹo. Theo đó, sản phẩm Scars Therapy Concentrated Serum cũng chỉ là serum với vai trò cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng da trắng sáng và đều màu da. Nhưng thương hiệu này lại gắn với cái tên trị sẹo rỗ.

Trong khi đó, chuyên gia da liễu cho biết, sẹo rỗ là tình trạng tổn thương nghiêm trọng về da cần phải thăm khám và tùy mức độ can thiệp các phương pháp điều trị y khoa mới có thể cải thiện được. Vị chuyên gia này cũng khẳng định hiện nay sẹo rỗ dù có can thiệp y khoa thẩm mỹ với công nghệ cao như nào đi chăng nữa cũng không thể trị khỏi hoàn toàn mà chỉ đỡ một phần nào. Hơn hết, điều trị sẹo rỗ phải có quá trình mất rất nhiều thời gian. Như vậy, serum quảng cáo trị sẹo rỗ là đang có dấu hiệu thổi phồng, lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, thương hiệu LÁ HOUSE cũng thổi phồng công dụng của loạt sản phẩm mỹ phẩm như kem, serum, mặt nạ… có vai trò điều trị mụn, rụng tóc, làm trắng da.

Thậm chí chỉ là Gel massage thương hiệu này cũng thổi phồng công dụng làm tan mỡ để nhằm "câu" khách hàng giảm béo.

Theo thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Nếu đối chiếu quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo trên website kể trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa mỹ phẩm với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu LÁ HOUSE thuộc Công ty TNHH NÀNG LÁ liệu đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Dựa vào đâu để Công ty quảng cáo mỹ phẩm giống với thuốc chữa bệnh? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường khi đã sử dụng sản phẩm?

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…) diễn ra ngày càng nhiều, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.

Qua công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ đã công bố, thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; Một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng lại quảng cáo vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề nghị Sở Y tế TP.HCM, Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.