Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Tuyết Trang
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua với 421/423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,89% tổng số đại biểu Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 681/BC-ĐGS ngày 23/10/2024 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XVKỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua  Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh quochoi.vn

Bên cạnh kết quả đạt được, Quốc hội cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, chưa dự báo hết các vấn đề phát sinh trong thực tế; một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, chưa rõ ràng, chưa có quy định điều chỉnh, hướng dẫn.

Các quy hoạch chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, còn có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch; quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch, về xử lý trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch còn bất cập; quy trình điều chỉnh quy hoạch kéo dài.

“Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ. Nhiều dự án bất động sản chưa thực hiện được các thủ tục về đầu tư xây dựng do phải chờ cơ quan quản lý nhà nước rà soát pháp lý, định giá đất…”, nghị quyết nêu rõ.

Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản suy giảm; nguồn cung giảm mạnh so với giai đoạn trước; giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân; số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm; bất động sản du lịch, lưu trú gần như “đóng băng”, tiếp tục gặp vướng mắc về pháp lý.

Về nhà ở xã hội, bên cạnh các kết quả đạt được, hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định; một số quy định pháp luật về phát triển nhà ở xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể; vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc cho việc thi hành; việc áp dụng các quy định pháp luật còn phức tạp, còn có cách hiểu khác nhau, cần hướng dẫn nhiều lần, nhất là đối với việc áp dụng các quy định chuyển tiếp.

Ảnh internet.Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh internet.

Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi.

Việc bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương không đáp ứng yêu cầu; một số địa phương chưa quan tâm, bố trí nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nhà ở xã hội.

“Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan”, Quốc hội đánh giá.

Từ thực tế trên, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao đối với các luật mới ban hành có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024...

Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ...; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở. Thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.

Ảnh báo Bình Dương.Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh báo Bình Dương.

Có giải pháp thiết thực để cải tạo chung cư cũ xuống cấp; rà soát các công trình, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, có giải pháp phù hợp để sớm khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.

“Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá”, nghị quyết nhấn mạnh. Đồng thời tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội.

“Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam”, nội dung nghị quyết thể hiện.

Cùng với đó kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành.

Quốc hội giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này trong quý I/2025, trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, tiến độ và bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ; gửi kế hoạch cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giám sát.

PV (t/h)