Rà soát công tác quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1357/TCT-DNNCN 2024 về việc rà soát công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Tổng cục Thuế cho biết, ngày 15/2, đơn vị này đã ban hành công văn số 525/TCT-DNNCN về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (HKD, CNKD), theo đó đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chỉ đạo rà soát đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót hộ, tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh; rà soát chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế cá nhân, trong đó có thông tin của chủ hộ kinh doanh; rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử do các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp; tăng cường triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp với cơ quan, ban ngành địa phương tiếp tục quản lý, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD, Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lưu ý các nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với HKD, CNKD. Đặc biệt hướng dẫn HKD, CNKD thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật, trong đó lưu ý tập trung hướng dẫn một số nội dung ngành thuế đã triển khai nhằm hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD như: hỗ trợ thuế điện tử cấp độ 4.0 trong toàn bộ quy trình quản lý thuế (đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế); hỗ trợ tra cứu thông tin về nghĩa vụ thuế trên ứng dụng Etax Mobile; triển khai chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh để công khai thông tin của HKD, CNKD nộp thuế khoán và hỗ trợ việc phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD; áp dụng hóa đơn điện tử đối với toàn bộ nền kinh tế bao gồm cả HKD, CNKD,....

Thứ hai, về công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý thuế đối với HKD, CNKTD (bao gồm các HKD, CNKD đang hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, bỏ trốn,...) trên địa bàn quản lý; xử lý kịp thời đối với trường hợp thực hiện không đúng quy định về công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD.

Tổ chức đối chiếu, rà soát trên địa bàn quản lý để nắm tình hình biến động về hoạt động kinh doanh của HKD, CNKD và kịp thời đưa vào quản lý theo quy định.

Đối chiếu với các nguồn thông tin của các cơ quan nhà nước có liên quan (Cơ quan thống kê, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Chính quyền địa phương,... ) để đối chiếu số lượng HKD, CNKD quản lý trên địa bàn, xác định cụ thể nguyên nhân chênh lệch, đảm bảo số liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước đúng thực tế phát sinh, từ đó đưa vào diện quản lý đầy đủ các HKD, CNKD thực tế đang kinh doanh, chấm dứt tình trạng có HKD, CNKD nhưng không lập Bộ Thuế.

Sau khi đối chiếu, rà soát tại địa bàn và đối chiếu với các nguồn thông tin của các cơ quan nhà nước có liên quan, nếu HKD, CNKD đã được cơ quan thuế lập Bộ thuế nhưng không còn kinh doanh tại địa bàn thì cơ quan thuế thực hiện xử lý theo các quy định pháp luật và quy định tại điểm 3.6 khoản 3 mục II phần II Quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin các HKD, CNKD có đăng ký kinh doanh nhưng không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc quản lý theo quy định.

Thực hiện công khai thông tin về HKD, CNKD nộp thuế khoán theo quy định, đồng thời công khai trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, đảm bảo việc công khai được minh bạch, tăng cường khả năng giám sát của người dân và các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương.

Thứ ba, về công tác kiểm tra, giám sát.

Tổ chức rà soát, khảo sát về doanh thu, mức thuế khoán thường xuyên, đối chiếu cơ sở dữ liệu riêng, cơ sở dữ liệu hóa đơn đầu vào của hộ khoán và tình hình kinh doanh thực tế tại địa bàn để đánh giá lại doanh thu, mức thuế khoán của HKD, CNKD. Từ đó điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán sát với thực tế phát sinh, đảm bảo phù hợp với các địa bàn, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tổ chức triển khai kiểm tra công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD tại Chi cục Thuế theo kế hoạch và chuyên đề theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 18 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính, cụ thể: (i) kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 10% số Chi cục Thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế khoán dự kiến; (ii) định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 5% số Chi cục Thuế mỗi quý I, quý II, quý III; (iii) Nội dung kiểm tra thực tế gồm: kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm tra thực tế đối với ít nhất 2% số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức có liên quan trên địa bàn trong đó tập trung kiểm tra 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro cao theo quy định.

Chỉ đạo các Chi cục Thuế thực hiện kiểm tra định kỳ, theo kế hoạch tại trụ sở cơ quan thuế trên cơ sở dữ liệu đối với HKD, CNKD và tổ chức có liên quan. Đối với những trường hợp rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm thì thực hiện việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Thứ tư, về công tác tham mưu với chính quyền địa phương.

Tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan nhà nước liên quan (Đăng ký kinh doanh, Thống kê, Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Quản lý thị trường, Công an, Thông tin truyền thông,...) phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên đối chiếu, rà soát tại địa bàn để nắm tình hình biến động về hoạt động kinh doanh của HKD, CNKD phục vụ công tác quản lý thuế theo quy định.

T.M