Trong những ngày gần đây, khi VNIndex liên tục tăng giảm khi tiến sát tới mốc 1.200 thì việc nghẽn sàn HOSE liên tục kể cả phiên sáng hay chiều khiến nhà đầu tư vô cùng bức xúc. Mỗi ngày lại thấy xuất hiện một đề xuất để chống nghẽn sàn, còn nhà đầu tư càng lúc càng thấy hoang mang bởi phương án nào cũng trở nên bất lợi cho họ, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đặt lệnh lô 1.000 cổ phiếu, sàn HOSE đẩy gánh nặng cho nhà đầu tư
Trong tuần trước, việc lấy ý kiến các công ty chứng khoán về việc chuyển một số mã từ sàn HOSE sang sàn HNX để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn vẫn chưa xác định được bao nhiêu cổ phiếu sẽ “chuyển nhà” thì sang tuần này nhà đầu tư lại tiếp tục hoang mang với thông tin tăng lô giao dịch lên 1.000 và hôm nay là việc cấm hủy, sửa lệnh. Những quy định này được các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng “RẤT VÔ LÝ!”.
Đối với đề xuất lô giao dịch lên 1.000 (có nghĩa là mỗi lần đặt lệnh mua/bán cổ phiếu phải tối thiểu là 1.000 cổ, thay vì là 10 cổ phiếu (trước 1/1/2021) và sau đó là 100 cổ. Đầu tuần này, khi trả lời báo chí về các giải pháp giúp giải quyết nghẽn lệnh giao dịch tại sàn HOSE, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE đã lập luận: "Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 đơn vị có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 cổ phiếu có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Từ đó, sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam".
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư phản đối khá gay gắt. Đó có lẽ là một sự sai phầm và nếu xảy ra thì sẽ tiêu diệt khả năng tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn dưới 100 triệu đồng. Không có số liệu cụ thể nhưng đa số người nhỏ lẻ chỉ dành vài triệu để đầu tư mỗi tháng và quy định này sẽ giết chết họ.
Trên những thị trường chứng khoán lâu năm như thị trường chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư được cho phép mua/bán cổ phiếu bán phần (fractional share), nghĩa là thay vì phải mua một cổ phiếu toàn giá 100 USD thì có thể mua với 1 USD tương đương với 1%. Nó cho phép một người nhỏ lẻ dù tiền ít cỡ nào cũng có thể tham gia. Trong khi đó thay vì tìm cách giải quyết các lỗi liên quan tới hệ thống lỗi thời, các sàn giao dịch lại tạo sức ép lên các nhà đầu tư, và loại bỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi sàn giao dịch.
Nếu lấy ví dụ một nhà đầu tư nhỏ với số vốn 100 triệu đồng: Với quy định lô 10, tối đa mua được 100 mã giao dịch khác nhau, đa dạng hóa danh mục và hạn chế rủi ro. Với quy định 1.000 lô, nhà đầu tư chỉ mua được 1 mã duy nhất và rủi ro là quá lớn. Như vậy liệu các nhà đầu tư nhỏ có chọn kênh chứng khoán nữa hay không, các doanh nghiệp vì thế cũng mất đi một kênh tiếp cận nguồn vốn toàn dân.
Thiệt hại do lệnh không cho hủy, sửa lệnh cổ phiếu
Nhà đầu tư còn chưa hết hoang mang với giải pháp 1.000 cổ phiếu thì lại tiếp tục choáng váng với quy định không hủy, không sửa lệnh giao dịch. HOSE đánh giá giải pháp này tác động nhất định đến hành vi của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư bình thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đặt lệnh mua, bán. Các loại lệnh do robot, áp dụng thuật toán sẽ khó thực hiện hơn do độ rủi ro cao. Đồng thời tình trạng chẻ lệnh, rải lệnh sẽ có khả năng giảm bớt. Theo ước tính của HOSE, nếu ngưng cho phép đặt lệnh huỷ, sửa thì thanh khoản HOSE sẽ được cải thiện 30% so với hiện nay. Giải pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật. Dù đây chỉ là đề xuất nhưng các nhà đầu tư càng trở nên hoang mang hơn. Chưa kể tới việc đặt nhầm lệnh cũng diễn ra thường xuyên, thì việc biến động thị trường liên tục thì việc không được hủy, sửa lệnh sẽ gây những thiệt hại không nhỏ và làm cho thị trường trở nên khó kiểm soát hơn.
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản hỏa tốc gửi HOSE, HNX và Trung tâm lưu ký về việc chuyển một số doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ra sàn HNX. Ủy ban yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.
Cũng theo văn bản hướng dẫn của UBCKNN, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HoSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HoSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30. UBCKNN nêu rõ, cơ chế này được áp dụng từ ngày 03/3/2021. UBCKNN sẽ có văn bản về việc chấm dứt cơ chế này khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.