Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế thế nào?

Admin
Sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình là trường hợp khá phổ biến. Vậy, đất của hộ gia đình chia thừa kế thế nào?

Quy định về sổ đỏ ghi tên hộ gia đình

Khoản 29 Điều 3 luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Như vậy, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Về nguyên tắc chỉ có những người có tên trong hộ gia đình tại thời điểm thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có quyền lợi liên quan. Khi quyền sử dụng đất là quyền chung của cả hộ gia đình thì khi đó những thành viên trong hộ sẽ có quyền lợi ngang nhau đối với quyền sử dụng đất.

Theo khoản 1 Điều 105 và Điều 115 bộ luật Dân sự 2015, quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Theo đó, người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng (quyền khai thác công dụng) và quyền sử dụng đất được chuyển giao cho người khác bằng các hình thức như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…mà không có quyền định đoạt.

Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này.

Hộ gia đình có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua các hình thức như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo Điều 166, 167 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình có quyền sử dụng đất hợp pháp sẽ có những quyền như: Được cấp Giấy chứng nhận; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định; chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất…

Đất của hộ gia đình chia thừa kế khi có di chúc

Đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trường hợp người để lại di chúc là nhà đất cấp cho hộ gia đình thì người đó chỉ có quyền để lại đối với phần đất tương ứng mà mình có quyền trong đất của hộ gia đình, người đó không phải là chủ sở hữu riêng nên không có quyền đối với toàn bộ mảnh đất đó.

Một di chúc muốn có hiệu lực thì cần phải đảm bảo hai yếu tố đó là về hình thức và về nội dung.

Về hình thức: Di chúc có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, chỉ lập di chúc miệng khi không thể lập di chúc bằng văn bản.

Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Trường hợp di sản thừa kế là đất đai thì di chúc cần được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tăng tính pháp lý.

Về nội dung: Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế, phân chia di sản thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế…

Vì người để lại di chúc chỉ là một trong những chủ sở hữu hợp pháp trong đất chung của hộ gia đình nên trường hợp này, người để lại di chúc chỉ có thể để lại di chúc đối với một phần đất mà mình có quyền trong đất của hộ gia đình.

Khi có tranh chấp về việc di chúc không đảm bảo các quy định của pháp luật ảnh hưởng tới sự phân chia đất cấp cho hộ gia đình, có thể tiến hành thủ tục khởi kiện với yêu cầu tuyên vô hiệu một phần di chúc.

Đối với những tranh chấp đất đai về thừa kế tài sản theo di chúc, khi có sự xung đột nội bộ của những người thừa kế với nhau và với người khác về quyền được hưởng di sản hay các giấy tờ, nghĩa vụ phát sinh từ việc thừa kế thì Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết (Khoản 1 Điều 35 bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi bị xâm phạm quyền và lợi ích trong vấn đề thừa kế theo di chúc có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa.

Về thủ tục mời tham khảo bài viết: "Sang tên sổ đỏ theo di chúc được thực hiện thế nào?"

Đất của hộ gia đình chia thừa kế khi không có di chúc

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo Điều 650 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật bao gồm:

- Không có di chúc.

- Di chúc không hợp pháp.

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Như đã phân tích ở trên, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Nếu chia thừa kế chỉ được chia phần đất tương ứng mà người đã chết có quyền trong đất của hộ gia đình.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Về thủ tục mời tham khảo bài viết: "Sang tên sổ đỏ khi không có di chúc như thế nào?"