'Sốc' với lợi nhuận ngân hàng

Huy Hoàng
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, bức tranh lợi nhuận quý 1 đang dần được “vén” lên khiến nhiều người “sốc nhẹ”. Lãi suất huy động giảm mạnh, còn cho vay ít thay đổi đã mang lại khoản lợi nhuận lớn cho các nhà băng.

loi-nhuan-ngan-hang-gzrk-1617413913.jpg

Dự báo lãi suất huy động sẽ tăng trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng tăng. Ảnh: Ngọc Thắng

Giá cổ phiếu ngân hàng tràn ngập sắc “xanh”

Các cổ phiếu ngân hàng (NH) niêm yết trên thị trường chứng khoán nhiều phiên gần đây phủ đầy sắc “xanh, tím” (tăng giá).
Chỉ trong 1 tuần, giá cổ phiếu Sacombank tăng hơn 20,5%, lên 22.600 đồng/cổ phiếu; VIB tăng gần 18%, giá lên 50.700 đồng/cổ phiếu; ACB tăng 8%, lên 34.600 đồng/cổ phiếu; VietcomBank tăng gần 3%, lên 97.800 đồng/cổ phiếu; tân binh SSB (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á) vừa lên sàn tăng 31%, ở mức 28.250 đồng/cổ phiếu; VietinBank tăng gần 5%, với mức giá 41.300 đồng/cổ phiếu; Techcombank tăng gần 5%, lên gần 41.250 đồng/cổ phiếu; đặc biệt cổ phiếu SHB tăng giá 51%, giá lên 27.000 đồng/cổ phiếu... Tính trong quý 1, hầu hết cổ phiếu NH niêm yết trên thị trường chứng khoán tăng giá, trong đó có 4 mã cổ phiếu tăng giá từ 20 - 50%.
Có gì đó không ổn giữa mức lợi nhuận của ngành ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn chưa khả quan, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tác động lớn từ dịch Covid-19
Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM
Kỳ vọng của thị trường về bức tranh lợi nhuận ngành NH khả quan là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này tăng mạnh. Theo thống kê lợi nhuận quý 1 năm 2021 của các nhà băng, con số rất ấn tượng. Đơn cử Ngân hàng TMCP Đông Nam Á lợi nhuận quý 1/2021 hợp nhất đạt 698,3 tỉ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỉ đồng, tăng 24%; tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỉ đồng, tăng 16,8%; cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỉ đồng. Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh (TOI) của nhà băng này đạt 1.440 tỉ đồng, tăng 48% và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 40,8% so với mức 52,9% cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà băng vừa tổ chức xong đại hội đưa ra mức lợi nhuận cao hơn năm ngoái khá nhiều. Chẳng hạn BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 44% so với năm 2020, đưa lợi nhuận hợp nhất lên 13.000 tỉ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến tăng từ 10 - 12%, huy động vốn tăng trưởng từ 12 - 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6% và tỷ lệ trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020. VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 29%, lên trên 7.500 tỉ đồng... Kế hoạch dự kiến trình đại hội đồng cổ đông của HĐQT với mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 từ 20% trở lên, chẳng hạn như Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2020; tổng tài sản đạt 533.300 tỉ đồng, tăng 8%; tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỉ đồng, tăng 9%; tổng dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỉ đồng, tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận đến từ chênh lệch lãi suất gia tăng

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của nhóm NH niêm yết tăng từ 55 - 65% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm NH thương mại quốc doanh có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ khi đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các NH thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng nhóm NH niêm yết trong quý 1 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó 2 NH có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 2 tháng đầu năm là MBB và VIB. Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế của các NH ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là tăng 24% so với năm 2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 15%, chi phí tín dụng giảm 0,22%.
Lãi suất trên thị trường liên NH trong quý 1 biến động tăng giảm nhẹ từ 0,1 - 0,4% tại một số NH thương mại, chủ yếu tập trung vào kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân. Mức lãi suất bình quân phổ biến ở kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3 - 4%/năm; từ 3,5 - 5,5%/năm từ 6 đến 12 tháng; trên 12 tháng có lãi suất từ 5 - 6,5%/năm.
Theo đánh giá của SSI, dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các NH vẫn rất khả quan, cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi - tín dụng từ đầu năm 2020 đến nay giãn khá rộng. Với tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19.3 ở mức 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi. Các NH có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời của NH.
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của những NH này cần giảm xuống, thay vì vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhà băng này tăng lên để họ có thể điều chỉnh lãi suất vay giảm, thu hút khách hàng vay. Lúc này mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể giảm để cạnh tranh.
TS Lê Đạt Chí
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5%/năm, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi từ 2 - 2,5%/năm. Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NH đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các NH sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng có gì đó không ổn giữa mức lợi nhuận của ngành NH trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn chưa khả quan, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tác động lớn từ dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng quý 1 thấp, chỉ đạt 1,47%, điều này cho thấy NH không triển khai cho vay được nhiều mà vẫn khai thác những khách hàng cũ với mức lãi suất cho vay cao mang lại. Các NH hiện được hưởng lợi từ việc áp trần lãi suất huy động ở mức thấp, đồng thời NH Nhà nước hỗ trợ bơm tiền, thanh khoản thị trường dồi dào. Thế nhưng, lãi suất cho vay giảm không tương ứng. NH là trung gian tài chính mà lợi nhuận cao cũng cần xem xét lại. NH nhận tiền gửi của khách hàng với mức lãi suất thấp, mang cho vay cao hơn, tạo ra NIM cao và lợi nhuận.