Tận dụng thời cơ để mở rộng xuất khẩu, khai thác các động lực tăng trưởng mới

Admin
Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023 diễn ra chiều tối 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các đại biểu tập trung tập trung đánh giá sâu tình hình, tận dụng thời cơ để mở rộng xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Ngoại giao kinh tế theo hướng thiết thực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng cường ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian vừa qua, với tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động, quyết liệt, ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, đóng góp cho đất nước theo hướng phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Đây là lĩnh vực rộng, đan xen nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023. (Ảnh: VGP)
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các đại biểu tập trung đánh giá sâu tình hình, tận dụng thời cơ để mở rộng xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Từ đó, đề xuất các biện pháp triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, với tinh thần biến nguy thành cơ. Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đề xuất phù hợp về nguồn lực, phương thức triển khai ngoại giao kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm. Xác định những vấn đề cần tháo gỡ ngay, triển khai sớm; những định hướng, nhiệm vụ trong trung và dài hạn.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài, trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế, trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến chóng, phức tạp, khó lường. Thêm vào đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực có hạn, công việc nhiều, yêu cầu cao, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Trình bày báo cáo trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phát huy các kết quả đã đạt được, công tác ngoại giao kinh tế trong năm nay chú trọng 6 vấn đề.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ. Thứ hai, xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của lãnh đạo cấp cao. Thứ ba, đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ... với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thứ tư, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế. Thứ năm, chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu. Thứ 6, đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu
Tại hội nghị, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng với lãnh đạo các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023.
Dưới góc độ ngành công thương, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại. Từ đó giúp các cơ quan Nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng. Tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở các thị trường ngoài nước. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng, bên cạnh việc thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), đang đàm phán một số FTA khác cũng như tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), thời gian tới, Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.