Tăng cường quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm

Tuyết Trang
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tăng cường quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếmTăng cường quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong giai đoạn năm 2019 - 2022, hằng năm Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES cấp từ 5.000 - 8.000 giấy phép CITES các loại, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Những mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam bao gồm da trăn, da cá sấu, cá sấu sống, khỉ đuôi dài, gió bầu, thạch hộc; các mặt hàng nhập khẩu, tái xuất khẩu bao gồm da bò sát các loại (phục vụ sản xuất hàng thời trang), cá rồng, cá tầm, động vật hoang dã, phục vụ vườn thú, gỗ, sâm châu mỹ, lan nuôi cấy mô.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và điều chỉnh của các thị trường mà lượng xuất nhập khẩu các mặt hàng biến động theo thời gian. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm ước đạt 100 triệu đô là Mỹ. Việt Nam là một trong các quốc gia Châu Á phát triển nuôi động vật hoang dã và trồng cấy các loài thực vật hoang dã ở nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình, nhất là các hộ nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (chiếm hơn 80% sản lượng nuôi động vật hoang dã trên toàn quốc).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các quy định hiện hành về điều kiện xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES và xuất khẩu mẫu vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chưa phù hợp với thực tiễn do ngoài việc kiểm tra giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu của tổ chức, cá nhân, cơ quan hải quan phải xác định nguồn gốc của mẫu vật xuất khẩu, tái xuất khẩu, kiểm tra mã số cơ sở nuôi, trồng.

Các quy định này gây tốn kém thời gian, nguồn lực của cơ quan hải quan và tổ chức, cá nhân trong quá trình thông quan xuất khẩu, tái xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy định cấp giấy phép CITES nhập khẩu đối với mẫu vật tiền công ước chưa phù hợp với quy định của Công ước CITES; chưa quy định về các trường hợp dừng cấp phép, cấp đổi, cấp thay thế giấy phép CITES, mặc dù trên thực tiễn vẫn có những trường hợp này xảy ra, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân.

Trong dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định cụ thể về trình tự, thẩm quyền, thủ tục thực hiện khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES, để áp dụng thống nhất trên cả nước; điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép nuôi, trồng các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp các loại giấy phép, chứng chỉ CITES, các trường hợp miễn trừ, thu hồi, dừng cấp phép CITES, nhằm áp dụng đồng bộ, thống nhất và mang tính khả thi cao.

Nguyễn Kiên (t/h)