Tăng tốc chuyển đổi số tập trung vào 3 trụ cột

Admin
Để chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, chiến lược nên tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số - doanh nghiệp số - công dân số.
Chuyển đổi số từ nhu cầu thiết thực
Tại hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, phối hợp với Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức sáng 9/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng khẳng định: CĐS là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm.
Hai năm 2021 và 2022 vừa qua, chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, khám phá, chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Con đường CĐS của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình.
Bộ TT&TT đã hoàn thành thiết lập Cổng CĐS quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn, là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) trong hành trình CĐS.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng.
Theo đó, cơ quan Nhà nước có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về Chính phủ số. DN có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang SMEdx. Còn người dân có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về xã hội số.
Với chuyên trang SMEdx, khi truy cập, DN nhỏ và vừa sẽ được tiếp cận, trải nghiệm những mô hình, nền tảng số xuất sắc của Việt Nam miễn phí trong 6 tháng. Sau giai đoạn này, nếu thấy hữu ích, DN nhỏ và vừa có thể tiếp tục ký hợp đồng 1 năm nhưng chỉ phải trả phí cho 6 tháng. Đến nay, gần 7.000 DN đã ký hợp đồng sử dụng thật, mang lại lợi ích thiết thực cho các DN Việt Nam.
"CĐS Việt Nam được bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân, DN, từ đó đưa hoạt động của người dân và DN lên môi trường số. Bộ TT&TT đã và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình CĐS. Những kết quả trên có lẽ còn xa mới thỏa mãn được kỳ vọng của cộng đồng, nhưng Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT) chia sẻ, nếu coi năm 2020 là năm khởi động về CĐS, 2021 là năm tổng diễn tập thì năm 2022 là năm tiến công và tăng tốc về CĐS, lấy người dân, DN làm trung tâm.
Tính đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đáng chú ý, thông kê mới nhất của Cục CĐS quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT).
Năm 2022, nhiệm vụ xuyên suốt của công tác CĐS quốc gia là đưa người dân, DN lên môi trường số, qua đó thúc đẩy phát triển được cả 3 trụ cột thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
"CĐS chỉ thành công khi gắn với lợi ích của người dân và DN. Bộ TT&TT mong nhận được sự đồng hành của cả Chính phủ, người dân và DN để tiến trình CĐS quốc gia đạt nhiều kết quả trong thời gian tới", ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Cần tăng tốc chuyển đổi số
Theo ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, để CĐS một cách hiệu quả nhất, chiến lược CĐS nên tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số - DN số - Công dân số.
Với Chính phủ, cần quyết liệt thực hiện tốt 3 việc để trở thành Chính phủ số: họp không cần gặp nhau, xử lý công việc không cần giấy tờ, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Chưa có Chính phủ điện tử thì chưa thể điều hành đất nước một cách lành mạnh, hiệu quả và minh bạch.
Về DN số, DN cần lưu tâm 3 vấn đề: làm việc không cần gặp nhau, xử lý không cần văn bản, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Làm được như thế, môi trường hoạt động sẽ lành mạnh và minh bạch hơn.
Với trụ cột công dân số, mỗi công dân Việt Nam chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet thì CĐSđã có một bước tiến. Thiết bị kết nối chính là công cụ tuyệt vời để tôn vinh và cải tạo con người chúng ta. Nếu không có thiết bị kết nối, chúng ta không thể truy cập internet để cập nhật thông tin tức thì, tại chỗ… Đây chính là một cú hích thực sự đối với CĐS.
"Nhìn chung, chuyển đổi số chỉ xoay quanh những vấn đề đơn giản trên. Chúng ta cần phải nỗ lực tăng tốc chuyển đổi số để bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới" ông Lê Doãn Hợp nói.