Tăng vốn sẽ "chiếm sóng" đại hội cổ đông ngân hàng

Kỳ Văn
Ngay cả những ngân hàng đã tăng vốn thành công vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược...

Chưa công bố nội dung sẽ được bàn luận cụ thể song tăng vốn được dự báo sẽ làm "nóng" đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 ở các ngân hàng.

NHIỀU NGÂN HÀNG TRÌNH CỔ ĐÔNG PHƯƠNG ÁN TĂNG VỐN

Theo dự kiến, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ mở màn cho "mùa đại hội" năm 2021 của các ngân hàng sau khi một số ngân hàng quyết định lùi lịch. Theo đó, đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của BIDV sẽ diễn ra vào ngày 12/3 tại Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bên cạnh việc trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, BIDV dự kiến sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 tại đại hội. Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng thông báo kế hoạch tổ chức đại hội vào ngày 24/3 tại phòng họp Grand Ballroom, Khách sạn InterContinental Saigon, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, ngân hàng cũng công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Trong đó, có nội dung về phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng.

Theo Dự thảo Nghị quyết trình cổ đông của VIB, nhà băng này dự kiến tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Quyết định thời gian thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2021.

Cùng ngày 24/3, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng sẽ diễn ra tại 54A Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Trong khi đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021 tại Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank, thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào ngày 16/4. Hiện VietinBank là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối duy nhất hiện nay chưa đạt chuẩn Basel II. Dự kiến, VietinBank sẽ đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II sau khi tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì vậy, tăng vốn sẽ là nội dung "chiếm sóng" tại kỳ đại hội đồng cổ đông lần này.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự vào ngày 19/3, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/3. Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 23/4, tại Trung tâm hội nghị White Place, 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Tài liệu cuộc họp sẽ được ngân hàng công bố vào ngày 31/3.

Theo đại diện Sacombank, hình thức tổ chức cuộc họp sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Theo đó, nếu không có yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, Sacombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên theo hình thức tập trung trực tiếp; và sẽ tổ chức trực tuyến trong trường hợp có yêu cầu giãn cách xã hội.

Trong khi đó, "anh cả" Vietcombank cũng dự định tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 23/4 tại Hội trường Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VCB, khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Chi tiết nội dung cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 chưa được ngân hàng công bố, nhưng, theo dự báo của giới chuyên môn, nhiều khả năng ngân hàng sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ.

VỐN CÀNG LỚN, KHẢ NĂNG TRỤ VỮNG CỦA NGÂN HÀNG CÀNG CAO

Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, năm qua đã có 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, chủ yếu từ lợi nhuận giữ lại thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ như Ngân hàng Quân đội (MBB) hay (Phương Đông) OCB, hay Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc tăng vốn, hàng loạt ngân hàng mới đây đã niêm yết lên sàn như An Bình (ABB), Hàng Hải (MSB), Bản Việt, Nam Á, Seabank (SSB) và hàng loạt chuyển sàn, như Á Châu (ACB), Quốc tế (VIB) hay Bưu điện Liên Việt (LPB).

Chuyển sàn một phần do áp lực cạnh tranh, nhưng việc niêm yết trên HOSE cũng sẽ cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Và ngược lại, đây lại càng là áp lực với các ngân hàng chưa niêm yết, hoặc chưa đáp ứng được Basel II trong cuộc đua tăng vốn.

Tăng vốn tiếp tục là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng như các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, theo vị chuyên gia này, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Còn theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai. Hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có, do đó, không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại.

Bởi vậy, ngay cả những ngân hàng đã tăng vốn thành công vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược bởi vốn càng lớn, khả năng trụ vững của ngân hàng càng cao. Đặc biệt, với các ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước, năm nay dự kiến cuộc đua tăng vốn sẽ còn nóng hơn rất nhiều, sau khi năm qua, hành lang pháp lý để tăng vốn cho 4 ngân hàng này đã rộng mở hơn rất nhiều nhất là trong bối cảnh, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng vốn thời gian qua đối với khối ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa đảm bảo yếu tố bền vững.

Song, theo phân tích của SSI, với triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong 2021 và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn trong năm 2020, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực sẽ là những nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển của các ngân hàng trong năm 2021.